Tập đoàn có “trắng tay” ở các ngân hàng 0 đồng?

Tập đoàn có “trắng tay” ở các ngân hàng 0 đồng?

Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) đầu tư 800 tỉ đồng vào NHTMCP Đại Dương (OceanBank), nay ngân hàng (NH) này đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng, như vậy toàn bộ vốn mà PVN đầu tư đã bị mất trắng?

 

Đây là câu hỏi được phóng viên đưa ra cho đại diện Bộ Tài chính tại buổi họp báo về tình hình tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN thời gian qua và các giải pháp đẩy mạnh tiến độ tái cơ cấu DNNN năm 2015 diễn ra ngày 5.6 vừa qua.

Ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: Việc đầu tư dẫn đến mất vốn nhà nước, các luật hiện nay đã có quy định trách nhiệm cụ thể, tùy từng mức độ sai phạm sẽ có hình thức xử lý nghiêm minh.

Tuy nhiên, việc kết luận có mất vốn nhà nước dẫn đến phải quy trách nhiệm cá nhân hay không lại phụ thuộc vào tổng số tiền đầu tư đó có bị mất hay không. Bởi lẽ trên thực tế đã gọi là đầu tư thì sẽ có chỗ được chỗ mất nhưng nếu tính tổng thể là có lãi, bảo toàn được vốn nhà nước thì không thể vì một vụ việc đơn lẻ mà quy trách nhiệm được. Những điều này đã được quy định cụ thể trong Nghị định 51 của Chính phủ - ông Tiến giải thích rõ.

Cũng theo ông Tiến, thực tế nhiều doanh nghiệp (DN) sẽ có quỹ dự phòng rủi ro nếu khi thoái vốn thấp hơn giá trị sổ sách nhưng quỹ đó vẫn cân bằng được thì việc thoái vốn không có vấn đề gì.

Một câu hỏi khác đặt ra hiện nay, với các cổ đông nhỏ lẻ phải chịu “trắng tay” ở các NH 0 đồng thì đã hai năm rõ mười, nhưng với các cổ đông lớn là các tập đoàn, Tổng Cty nhà nước nắm giữ vốn tại các NH được NHNN mua lại với giá 0 đồng thì sao, trách nhiệm của các đơn vị này thế nào khi để mất vốn của Nhà nước?

Theo một chuyên gia tài chính NH cho biết, do đây là quyết định mua lại bắt buộc từ phía NHNN nên với vai trò là các tập đoàn, Tổng Cty nhà nước đầu tư vốn vào đây, chắc chắn các đơn vị này sẽ phải giải trình với Chính phủ về việc làm mất giá trị cổ phần không phải do mình chủ động gây nên.

Bởi lẽ, theo điều lệ của đa số các tập đoàn nhà nước, nếu để “lỗ hoặc mất vốn nhà nước, quyết định đầu tư dự án không hiệu quả, không thu hồi được vốn, không trả được nợ, không đảm bảo tiền lương và các chế độ cho người lao động, hoặc để xảy ra các sai phạm về quản lý vốn, tài sản…thì cả chủ tịch cùng các thành viên và TGĐ đều không được thưởng, không được nâng lương và bị xử lý kỷ luật tuỳ theo mức độ vi phạm”.

Một thống kê gần đây cho thấy, trước thời điểm NHNN mua lại bắt buộc cổ phần của OceanBank, PVN sở hữu 20% vốn OceanBank. Các tổ chức khác cũng nắm giữ tỉ lệ lớn cổ phần của OceanBank như Tập đoàn Đại Dương (OGC) sở hữu 20%; Cty TNHH VNT nắm 20% vốn; Cty cổ phần đầu tư và xây dựng Sông Đà giữ 6,65% vốn, còn lại hơn 30% của các cổ đông khác.

OceanBank có vốn điều lệ là 4.000 tỉ đồng, với 20% vốn sở hữu tức PVN đã đầu tư vào nhà băng này 800 tỉ đồng, OGC và VNT mỗi đơn vị cũng đầu tư con số tương tự, còn đầu tư và xây dựng Sông Đà đầu tư hơn 266 tỉ đồng.

Được biết, trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đặt mục tiêu đến hết năm 2015 sẽ thoái vốn ngoài ngành tại các lĩnh vực NH, BĐS, chứng khoán, bảo hiểm…

“Nếu DN trích lập dự phòng toàn bộ thì sẽ được bảo toàn vốn. Việc thoái vốn của PVN cũng như các DNNN khác ra khỏi lĩnh vực NH được Chính phủ giao cho NHNN xử lý” - ông Tiến cho biết.

Nhật Quang

lao động