Tự doanh CTCK: Bắt đầu chu kỳ mới hay hoạt động suy giảm trong quý 1?

Tự doanh CTCK: Bắt đầu chu kỳ mới hay hoạt động suy giảm trong quý 1?

Sau năm 2014 được đánh giá là thành công với khối tự doanh của các công ty chứng khoán khi doanh thu mảng này tăng hơn 32%. Tuy nhiên, khởi đầu năm 2015, mảng tự doanh không mấy thuận lợi khi doanh thu chưa bằng phân nửa cùng kỳ.

Trong quý 1/2015, tổng doanh thu tự doanh của 83 công ty có công bố BCTC chỉ ở mức hơn 334 tỷ đồng, giảm gần 60% so với cùng kỳ và chỉ đóng góp 17% trong cơ cấu doanh thu. Mức đóng góp này giảm gần 50% so với quý 1/2014.

Biến động suy giảm của mảng tự doanh phần nào được lý giải khi thanh khoản và chỉ số chứng khoán trong quý 1/2015 diễn biến không mấy tích cực. Ngoài ra, nhiều khoản đầu tư khả năng cũng đã được chốt lời và ghi nhận vào lợi nhuận trong quý trước đó, trong khi những khoản đầu tư mới chưa đem lại kết quả.

Theo thống kê của Vietstock, tại thời điểm ngày 31/03/2015, tổng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của 83 công ty ở mức 15,357 tỷ đồng và khoản đầu tư ngắn hạn hơn 16,442 tỷ đồng, gần như tương đương cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt, BSI giảm mạnh các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn xuống còn chưa đầy 1/3.

Top 10 công ty chứng khoán có khoản đầu tư ngắn hạn tại 31/03/2015 cao nhất

Ông lớn ngàn tỷ “mất thiêng”

Với vị thế là một trong những đơn vị dẫn dắt thị trường, khối tự doanh của các CTCK luôn được kỳ vọng sẽ tạo nên những điểm nhấn đáng chú ý, đặc biệt là ở các CTCK lớn. Thế nhưng, các ông lớn đã “mất thiêng” trong quý 1/2015. Ngoại trừ VND, tất cả CTCK có vốn trên ngàn tỷ đều sụt giảm doanh thu tự doanh trên 50%.

Doanh thu tự doanh quý 1/2015 của các CTCK có vốn trên ngàn tỷ

Tiêu biểu có thể thấy ở ông lớn CTCK Sài Gòn (HOSE: SSI), là một đơn vị mạnh về tự doanh khi doanh thu mảng này luôn chiếm tỷ trọng đáng kể nhưng ở quý 1/2015, tự doanh không đạt kỳ vọng khi mang về chỉ hơn 80 tỷ đồng doanh thu, giảm 63% so với cùng kỳ và chỉ còn chiếm tỷ trọng chưa đến 30% trong cơ cấu doanh thu (quý 1/2014 tự doanh chiếm hơn 57%).

Tính đến 31/03, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của SSI đạt hơn 2,397 tỷ đồng, tăng 17% so với quý 1/2014. Trong đó, tiền gởi ngân hàng có kỳ hạn trên 3 tháng chiếm 1,942 tỷ đồng và chứng khoán thương mại 455.4 tỷ đồng (cổ phiếu niêm yết 247.5 tỷ đồng). SSI hiện đang nắm giữ nhiều cổ phiếu lớn như FPT (hơn 1.8 triệu cp), HPG (2.6 triệu cp), PVS (hơn 1.9 triệu cp) hay VSC (1.3 triệu cp),... Ở mảng chưa niêm yết, cổ phiếu CTCP Phân lân Văn Điền vẫn chiếm nhiều nhất với hơn 2.6 triệu cp.

Bên cạnh SSI, ông lớn khác là CTCK Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: HCM) thậm chí còn sụt giảm mạnh tự doanh khi doanh thu chỉ gần 6 tỷ đồng, tương ứng giảm gần 93% so với cùng kỳ. Với kết quả này, mảng tự doanh chỉ còn chiếm tỷ trọng 4.5% trong cơ cấu doanh thu của HCM. Tính đến 31/03, khoản đầu tư chứng ngắn hạn của HCM giảm 37% về 177 tỷ đồng, trong đó, cổ phiếu niêm yết 47 tỷ đồng. HCM cũng đã tiến hành trích lập dự phòng giảm giá cho khoản đầu tư này 81 tỷ đồng.

Hai đơn vị đứng đầu về mức giảm doanh thu tự doanh trong nhóm những công ty có vốn ngàn tỷ là Kim Long (HNX: KLS) và KIS Việt Nam (KIS). Kết thúc quý 1/2015, KLS chỉ thu về vỏn vẹn 841 triệu đồng, KIS thậm chí còn tệ hơn khi chỉ mang về đúng 5 triệu đồng.

Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tính đến 31/03 của KLS tăng 21% so với cùng kỳ lên mức 1,413 tỷ đồng, còn KIS giảm 50% về hơn 17 tỷ đồng. Theo giải trình của KLS, quý 1/2015, đơn vị này phải tăng trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán và đây là nguyên nhân làm lợi nhuận sau thuế âm 39 tỷ đồng. Còn theo giải trình của KIS, doanh thu tự doanh chỉ còn 5 triệu đồng là do đơn vị đã chốt lời hết trong thời gian trước, số cổ phiếu còn lại chỉ là cổ phiếu lẻ.

Điểm sáng công ty chứng khoán nhỏ

Trong quý 1/2015 chỉ còn lại 15/83 công ty có doanh thu tự doanh tăng và hầu hết là những công ty chứng khoán nhỏ. Đặc biệt, mức gia tăng ở mảng tự doanh của nhóm công ty này khá ấn tượng.

Tăng mạnh nhất thuộc về CTCK Mirae Asset (MiraeAsset) với hơn 464 lần. Kết thúc quý 1/2015 đơn vị này thu về 465 triệu đồng doanh thu tự doanh, trong khi cùng kỳ năm trước chưa đến 1 triệu đồng. Điểm đáng chú ý tại MiraeAsset là khoản đầu tư chứng khoán ngắn hạn tăng mạnh 105 lần so với đầu năm lên 23.4 tỷ đồng (đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 81% là do ảnh hưởng bởi mảng tiền gởi ngân hàng).

CTCK Kỹ thương (TCBS) cũng tạo ấn tượng khi đứng thứ hai trong nhóm tăng trưởng doanh thu tự doanh. Kết thúc quý 1/2015, TCBS thu về hơn 19.3 tỷ đồng doanh thu tự doanh, tăng 9 lần cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 40% trong cơ cấu doanh thu. Mảng đầu tư cổ phiếu và trái phiếu của TCBS tăng gần 40% lên mức 914.4 tỷ đồng so với đầu năm.

Ngoài hai đơn vị trên, một số CTCK khác như Phương Nam (PNS), Woori CBV (Woori) hay Phương Đông (ORS),... cũng có mức tăng mạnh. Tại PNS, kết thúc quý 1/2015 doanh thu tự doanh hơn 5 tỷ đồng tăng 2.4 lần cùng kỳ hay ở ORS với hơn 741 triệu đồng, tăng 1.6 lần cùng kỳ.

15 CTCK có doanh thu tự doanh quý 1/2015 tăng

Duy Hoàng