Xuất khẩu hồ tiêu: Tạo đột phá trong chế biến

Xuất khẩu hồ tiêu: Tạo đột phá trong chế biến

Năm 2015, sản lượng hồ tiêu ước đạt khoảng 126.000 tấn, giá trị xuất khẩu (XK) khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện tại, tiêu chưa xay của Việt Nam chiếm đến 83% các mặt hàng hồ tiêu, cho nên giá trị đem lại chưa cao.

Đa dạng hóa sản phẩm hồ tiêu để gia tăng giá trị xuất khẩu

95% sản lượng để XK

Việt Nam được coi là quốc gia sản xuất và XK hồ tiêu hàng đầu thế giới cả về quy mô, chất lượng và nhiều tiềm năng trong tương lai. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT): năm 2015, diện tích hồ tiêu của cả nước khoảng 70.000 ha. Khu vực có thế mạnh về trồng tiêu là các tỉnh Đông Nam bộ (chiếm hơn 50% diện tích), Tây Nguyên (chiếm 31% diện tích) và tiếp đến là các tỉnh miền Trung. Năng suất hồ tiêu bình quân đạt 2,16 tấn tiêu khô/ha, được xếp vào loại cao nhất thế giới.

Báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI)- cho thấy: 95% sản lượng sản xuất hồ tiêu của Việt Nam được dùng để XK. Đặc biệt, hồ tiêu Việt Nam chiếm 40% sản lượng và hơn 50% thị phần XK hồ tiêu trên thế giới với hơn 120.000 tấn hạt tiêu. Kim ngạch XK tiêu của Việt Nam trong năm 2014 đạt mức kỷ lục là 1 tỷ USD.

Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong 5 tháng của năm 2015, hồ tiêu Việt Nam đã XK 72.000 tấn, đạt kim ngạch 657 triệu USD. Như vậy trong 7 tháng tiếp theo ngành chỉ cần XK 40.000 tấn là đã đạt 120.000 tấn với kim ngạch trên 1 tỷ USD, hoàn thành mục tiêu XK cả năm.

Hiện cả nước có hơn 200 doanh nghiệp (DN) tham gia XK trực tiếp mặt hàng hồ tiêu, trong đó khoảng 30% là DN FDI. Các thị trường XK chính hiện nay của Việt Nam là Mỹ, Đức, Ả rập Xê út, Hà Lan, Singapore, Ấn Độ, Ai Cập, Tây Ban Nha, Pakistan. “Trung bình hàng năm, thị phần XK tiêu Việt Nam vào châu Á là 36%, châu Âu chiếm 34%, châu Mỹ 20%, châu Phi 10%”- đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết.

Tập trung chú trọng chế biến

XK hồ tiêu của Việt Nam bao gồm chủ yếu hai thành phần là hồ tiêu đen và hồ tiêu trắng chưa xay. Các sản phẩm hồ tiêu Việt Nam đang được sản xuất và XK chủ yếu là các hạt tiêu thuộc chi Piper đen và trắng (mã số hàng hóa 0904), khô chưa xay (mã 090411) hoặc đã nghiền (mã 090412). Theo thống kê của Trademap (một hệ thống cơ sở dữ liệu cập nhật về tình hình thương mại của Trung tâm Thương mại Quốc tế), kim ngạch XK hồ tiêu chưa xay của Việt Nam tăng 23%/năm, tiêu chưa xay của Việt Nam chiếm 83%, còn tiêu đã xay của Việt Nam chiếm 17% tổng kim ngạch XK của mặt hàng hồ tiêu.

Do đó, Bộ NN&PTNT đang có chủ trương đầu tư cải tạo nâng cấp các nhà máy chế biến hồ tiêu hiện tại, trong đó có 14 nhà máy chế biến tiên tiến chất lượng cao, đồng thời mở rộng công suất và đầu tư mới các nhà máy chế biến tiêu trắng, nâng tỷ lệ sản phẩm tiêu trắng lên 30% vào năm 2020, tỷ lệ tiêu nghiền bột lên 25% năm 2020.

Các DN trong ngành hồ tiêu cũng cho rằng, hồ tiêu Việt Nam thường bị ép giá, mức giá XK thấp so với các nước khác do chất lượng hồ tiêu chưa đều bởi công nghệ chế biến lạc hậu. Vì vậy, trước nhu cầu các sản phẩm hồ tiêu trắng, tiêu xay trên thế giới ngày càng cao, đây chính là cơ hội để ngành đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm. Để làm được điều này, phải có vốn đầu tư rất lớn, nên rất cần nhà nước hỗ trợ.

Ấn Độ là nước có kim ngạch nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam lớn nhất. Năm 2014, nhập khẩu hạt tiêu Việt Nam của Ấn Độ tăng mạnh, đạt khoảng 8.000 tấn, chiếm trên 90% tổng lượng hạt tiêu nhập khẩu vào nước này.

Quỳnh Nga - Lan Anh

công thương