Bốn "lo" của kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm

Bốn "lo" của kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm

Chuyên gia Lê Đình Ân đưa ra 4 vấn đề “đại sự” của kinh tế Việt Nam đáng lo ngại trong 6 tháng cuối năm 2015.

Giá xuất khẩu nông sản trong 6 tháng giảm sâu. Ảnh minh họa

Đó là nhận định của ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia, tại buổi Công bố báo cáo kinh tế quý II do Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 29/7.

Ông Ân phân tích, hiện lãi suất huy động trong xu thế tăng, trong khi lãi suất cho vay không hạ và tài chính của hệ thống khó khăn. “Tôi cho rằng mắt xích ngân hàng rất dễ tổn thương nên phải tập trung tái cấu trúc”, ông Ân nói.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng đưa ra 4 vấn đề “đại sự” của nền kinh tế đáng lo ngại trong 6 tháng cuối năm nay.

Về nông nghiệp, thủy sản, Việt Nam là nước đứng thứ hai về xuất khẩu gạo nhưng chất lượng và giá đều thấp. Ông Ân e ngại: “Chúng ta đã có nhiều gói kích cầu, chính sách ưu đãi lãi suất cho nông nghiệp nhưng tất cả chưa đi vào cuộc sống. Nếu nhìn 6 tháng đầu năm thì tôi nghĩ cả năm nay cũng không thể giải quyết được vấn đề”.

Lo ngại thứ hai là lạm phát. “Cuối năm 2014 và quý I/2015 tổng cầu không tăng nên lạm phát không tăng được. Sang quý II, ta nói tổng cầu tăng trong khi tổng cung tăng ít hơn nên giữ được lạm phát. Tôi nghĩ GDP tăng trên 6% nhưng lạm phát chỉ tăng dưới 1% là chỗ đáng phân vân”, ông Ân nói.

Chuyên gia này cũng đề cập tới thực trạng không quản lý được kinh tế ngầm khiến lạm phát giảm đột biến. Nhiều loại hàng hóa theo chuyên gia này là nhập khẩu không theo ngạch nào làm cầu tăng không kiểm soát. Người tiêu dùng có lợi nhưng chất lượng tiêu dùng có vấn đề. Trong khi đó, doanh nghiệp khó khăn do giá đầu vào tăng cao, giá điện nước tăng trong khi giá đầu ra giảm.

Bên cạnh đó là vấn đề vốn FDI. “Giá như nền kinh tế Việt Nam như các nước khác thì không bị quá phụ thuộc vào việc tăng vốn FDI. Thái Lan có cơ sơ hạ tầng và công nghiệp phụ trợ lớn, tỷ lệ nội địa hóa cao nên FDI vào bổ trợ kinh tế trong nước. Nhưng Việt Nam là con số 0, FDI vào và ra đều không đóng góp cho kinh tế đất nước. Đó là chỗ đáng lo!”, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia chia sẻ.

Ngoài ra, với vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ông Lê Đình Ân cho biết, cách đây 2–3 năm chúng ta tập trung cổ phần hóa rất mạnh. Nhưng nay, theo đánh giá của ông là không đạt yêu cầu cả về tốc độ và chất lượng cổ phần hóa. “Cổ phần hóa, thoái vốn là phải tạo ra quản trị mới thì ta không làm được. Đây là đại sự thứ tư mà tôi nghĩ 6 tháng cuối năm cần quan tâm”, ông Lê Đình Ân khuyến nghị.

C.Sơn

giao thông vận tải