Cải tổ chứng khoán từ mở room

Cải tổ chứng khoán từ mở room

Công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar (MKP) vốn là một doanh nghiệp niêm yết trên Hose làm ăn hiệu quả. Vốn điều lệ 92 tỉ đồng nhưng năm 2011 MKP đã lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế 100 tỉ đồng. Tháng 7 năm ấy giới đầu tư tiếc rẻ vì Mekophar tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường để hủy niêm yết, thực hiện tái cơ cấu cổ đông. Lý do có quá nhiều đối tác nước ngoài muốn tham gia vào công ty, sẵn sàng hỗ trợ công nghệ, đầu ra cho sản phẩm, nhưng tỷ lệ room 49% đã “ngáng đường” họ. Cuối cùng Mekophar đã quyết định mua lại toàn bộ cổ phiếu cho nhà đầu tư nhỏ khi rời sàn và chia tay Hose.

Room là chủ đề được giới đầu tư nước ngoài nhắc đến nhiều nhất trong 3-4 năm qua và cũng là một trong những điểm nhấn được Chính phủ chú trọng để hoàn thiện khung pháp lý, cải cách môi trường đầu tư. Ảnh: Minh Khuê

Cởi trói tư duy lạc hậu

Năm ngoái khi bán 80% cổ phần của mảng kinh doanh bánh kẹo cho Mondelēz, Công ty Kinh Đô (KDC-Hose) đã phải “lách” quy định về room bằng cách chuyển toàn bộ mảng trên về một công ty con và sau đó bán cổ phần công ty con này. KDC trên sàn vẫn tuân thủ room 49%. Sự đi đường vòng của Kinh Đô đã “thức tỉnh” giới doanh nghiệp. Họ hiểu dù niêm yết, vẫn còn đó cách thức “vượt room” để tiến tới những cái bắt tay với nước ngoài.

Room là chủ đề được giới đầu tư nước ngoài nhắc đến nhiều nhất trong 3-4 năm qua và cũng là một trong những điểm nhấn được Chính phủ chú trọng để hoàn thiện khung pháp lý, cải cách môi trường đầu tư. Giới hạn 49% đã làm gần như toàn bộ khối  doanh nghiệp FDI không muốn niêm yết vì nếu lên sàn, họ phải bán ra cổ phiếu, thay vì tăng lên hay giữ nguyên tỷ lệ sở hữu của nước ngoài. Một sự xáo trộn như thế làm sao có thể khiến các ông chủ ngoại yên tâm làm ăn? Cho nên cách tốt nhất là tránh xa sàn.

Sự thiếu vắng niêm yết của các doanh nghiệp FDI đã làm quy mô vốn hóa thị trường co hẹp, hoạt động M&A ở Việt Nam kém minh bạch, kém sôi động và dĩ nhiên một thị trường M&A trầm lắng không thể thu hút tiền ngoại. Suốt thời gian dài, vốn gián tiếp nước ngoài lượn lờ ở bên ngoài mà không “thò chân” vào Việt Nam hoặc vào thăm dò rồi lại ra vì không biết mua gì. Hãy thử đặt mình vào vai trò đi mua của nước ngoài để hiểu tâm lý của họ: họ bỏ tiền vào, muốn tham gia điều hành công ty, làm nó mạnh lên để giá trị khoản đầu tư nâng lên. Để điều hành, họ phải sở hữu quyền chi phối, trong khi room tối đa chưa quá bán, thì sao quản lý, điều hành?

Tâm lý e ngại bị nước ngoài thâu tóm, kể cả với những công ty nhỏ vốn vài chục tỉ đồng trên sàn Hà Nội, là cốt lõi của nới room. Nói Nhà nước phải độc quyền, phải bao quát các lĩnh vực ngân hàng, điện lực, viễn thông, an ninh quốc phòng, công ích, xuất bản báo chí... là đúng. Còn những lĩnh vực không quan trọng khác, sao cứ phải 49%? Cơ hội đã vuột qua, những thách thức ngày một lớn kéo đến và chỉ đến khi không thể cưỡng lại được trào lưu hội nhập sâu hơn, rộng hơn vào kinh tế thế giới, tư duy lạc hậu về room mới được cởi trói. 

Chuyển động ngầm về “thời của chứng khoán”

Nghị định 60 ngày 26-6-2015 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 58 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, đã ra đời muộn hơn so với kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, nó vẫn còn nguyên vẹn sức mạnh chìa khóa động lực để mở cánh cửa kho vốn ngoại bên ngoài. Ưu điểm của Nghị định 60 là phân biệt rõ ràng từng loại hình doanh nghiệp và room nền tảng cho từng loại đó.

Với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, room phải căn cứ vào Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-7-2015. Luật Doanh nghiệp quy định 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), cho biết khoảng 180 ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được làm rõ trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ông nhấn mạnh hầu hết các doanh nghiệp niêm yết (trừ các ngân hàng) đều nằm trong số 180 này và việc thực hiện room trong thực tế sẽ được Bộ Tài chính đẩy nhanh hết mức có thể.

Những tháng gần đây vai trò của thị trường chứng khoán đã ngấm ngầm chuyển mình trong con mắt của nhiều cơ quan quản lý. Không phải ngẫu nhiên cổ phiếu của các ngân hàng hàng đầu như VCB, BID, CTG tăng trưởng với tốc độ cao. Không phải tự nhiên các cổ phiếu công nghệ, viễn thông như FPT, CMG, ITD... được chú ý và được giới đầu tư mua vào với sức cầu bền bỉ. Các công ty xây dựng hạ tầng giao thông, dược phẩm, xuất khẩu, phân phối thu hút dòng tiền... Trước hết đây là những ngành nghề mà Việt Nam sẽ tập trung tái cơ cấu nhằm chuyển dần GDP sang tăng trưởng bền vững, sau đó là cải tổ khối doanh nghiệp nhà nước thông qua tiến trình cổ phần hóa. Người ta hiểu rằng để cổ phần hóa thành công hàng trăm doanh nghiệp, trước mắt phải có sự góp mặt của khoảng 4-5 tỉ đô la Mỹ vốn nước ngoài. Mở room, tăng nhanh thanh khoản thị trường bằng các giải pháp kỹ thuật như T+2, T+0, chuyển đổi chứng khoán Việt Nam từ nhóm thị trường cận biên lên nhóm thị trường mới nổi là sự “đánh động” để các quỹ ngoại phân bổ lại số vốn quản lý, phân bổ lại danh mục đầu tư, dành một tỷ lệ nào đó cho chứng khoán Việt Nam.

Xem thêm tại đây

Hải Lý

tbktsg