DNP: Cách nào để cạnh tranh với những “ông lớn”?

DNP: Cách nào để cạnh tranh với những “ông lớn”?

Việc nâng tỷ lệ sở hữu CTCP Bình Hiệp trong tháng 5 vừa qua thể hiện tham vọng của CTCP Nhựa Đồng Nai (HNX: DNP) trong việc thâm nhập vào ngành cung cấp nước sạch, đồng thời giúp tận dụng lợi thế kinh doanh vốn có là ngành ống nhựa dự án. Thêm vào đó, việc nâng tỷ lệ sở hữu lên 51.63% sẽ giúp DNP sáp nhập kết quả kinh doanh của Bình Hiệp với tư cách là công ty con trong quý 2 này.

Hướng vào thị trường ngách: Các dự án hạ tầng cấp thoát nước

Là doanh nghiệp có quy mô nhỏ không thể so sánh được với các ông lớn trong ngành nhựa như BMP, NTP hay HSG về tiềm lực tài chính, thị phần, hệ thống phân phối khiến cho DNP phải tìm sự khác biệt nhằm giảm bớt áp lực cạnh tranh cũng như có hướng đi phù hợp. Cụ thể, đối với sản phẩm ống nhựa, phân khúc mà DNP nhắm tới đó là các dự án hạ tầng cấp thoát nước, phân khúc khác biệt so với các loại ống nhựa dân dụng.

Cơ cấu doanh thu 2014 của DNP
(Nguồn: BCTN của DNP)

Một phân khúc khác chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của DNP là các sản phẩm túi xốp và bao bì nhựa, chủ yếu để xuất khẩu ra các nước Âu, Mỹ… Mặc dù phân khúc này có biên lợi nhuận khá thấp, khoảng 2-3%, nhưng đóng góp quan trọng cho việc giảm bớt rủi ro từ tỷ giá trong việc phục vụ nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho mảng ống nhựa.

Doanh thu và Biên lợi nhuận ròng của DNP qua các năm
(Nguồn: VietstockFinance)

Gia tăng quyền chi phối CTCP Bình Hiệp

Với vai trò là nhà sản xuất cung cấp các sản phẩm ống nhựa cho các dự án, việc DNP gia tăng ảnh hưởng của mình thông qua việc tăng quyền chi phối CTCP Bình Hiệp được cho là một bước đi chiến lược khi giúp DNP đạt được nhiều mục đích.

Dễ nhìn thấy nhất là giúp DNP thâm nhập sâu hơn vào ngành nước sạch, một lĩnh vực thiết yếu. Thêm vào đó, việc gia tăng chi phối các công ty nước nói chung hay Bình Hiệp nói riêng sẽ giúp DNP dễ dàng trong việc trở thành nhà cung cấp ống nhựa cho các công ty này, giúp gia tăng hiệu quả kinh doanh của công ty.

Mặc dù chỉ là một công ty nhỏ nhưng Bình Hiệp lại có tốc độ tăng trưởng ổn định với tỷ suất sinh lời cao, nhất là khi mà nhu cầu nước sạch ở khu vực Bình Thuận, địa bàn hoạt động của Bình Hiệp vẫn còn lớn. Với việc gia tăng sở hữu cổ phần lên 51% trong tháng 5 vừa qua, nhiều khả năng KQKD khả quan của CTCP Bình Hiệp sẽ được phản ánh vào KQKD hợp nhất quý 2 sắp tới của DNP. Đại diện của DNP cho biết trong năm 2014, Bình Hiệp đạt doanh thu 39.7 tỷ đồng và LNST 16 tỷ đồng. Kế hoạch trong năm 2015 của Bình Hiệp đề ra với doanh thu và LNST lần lượt là 47.5 tỷ đồng và 14.2 tỷ đồng.

DNP hiện cũng vừa có đợt phát hành tăng nguồn vốn chủ sở hữu nhằm mục đích cơ cấu lại nợ vay cũng như bổ sung nguồn vốn đầu tư vào các dự án ngành nước. Từ đây cho tới cuối năm 2016, công ty đang có dự định tiếp tục đầu tư mới vào ba nhà máy nước nhằm thâm nhập sâu hơn vào thị trường ống nhựa khu vực Miền Trung.

Rủi ro đầu tư là gì?

Dưới góc nhìn rủi ro, có thể thấy công ty đang gia tăng việc sử dụng nợ để tài trợ cho việc bán hàng khi mà hai khoản này đã tăng đáng kể trong các quý vừa qua. Trong bối cảnh lãi suất đang ở mức thấp thì việc công ty gia tăng sử dụng nợ có lẽ không quá khó hiểu.

Khoản phải thu và vay nợ ngắn hạn của DNP qua các quý
(Nguồn: VietstockFinance)

Tuy nhiên, nếu so với các công ty cùng ngành thì mức tỷ lệ nợ ngắn hạn/vốn chủ sở hữu đã trở nên quá lớn. Mặc dù vậy, công ty đã vừa phát hành thành công thêm 5.6 triệu cổ phiếu với giá 13,000 đồng/cổ phiếu nhằm tái cơ cấu các khoản nợ này.

Chỉ số Đòn bẩy tài chính của công ty cùng ngành tại ngày 31/03/2015
(Nguồn: VietstockFinance)

Rủi ro lớn nhất liên quan đến giao dịch cổ phiếu có lẽ xuất phát từ yếu tố thị trường khi cơ cấu cổ đông khá cô đặc với thanh khoản thấp khó lòng tạo nên giao dịch sôi động ở cổ phiếu này.

Hải Dương