Masan Resources: Dự kiến giá trị sổ sách 20,327 đồng/cp vào 2017, cổ tức 50% thu nhập mỗi năm

Masan Resources: Dự kiến giá trị sổ sách 20,327 đồng/cp vào 2017, cổ tức 50% thu nhập mỗi năm

Dự kiến đến năm 2017, Masan Resources sẽ có tổng tài sản là 27,079 tỷ đồng, tiền mặt là 2,892 tỷ đồng, giá trị sổ sách tương đương 20,327 đồng/cp. Công ty cũng có kế hoạch chia cổ tức tương đương 50% thu nhập mỗi năm.

Thông tin được đại diện CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources) chia sẻ tại buổi hội thảo “Khai mở kho báu Quốc gia” để giới thiệu về hoạt động của Công ty trong lộ trình chuẩn bị IPO trên sàn UPCoM thuộc Sở GDCK Hà Nội.

Buổi hội thảo “Khai mở kho báu Quốc gia” được tổ chức chiều ngày 20/07.

Nói về câu chuyện của mỏ Núi Pháo, ông Vũ Hồng – Phó Tổng Giám đốc Masan Resources cho biết, năm 2010, Tập đoàn Masan (MSN) đã quyết định mua lại dự án mỏ Núi Pháo và lên kế hoạch đưa vào hoạt động khai thác. Đây là một trong số những mỏ Vonfram có quy mô lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc, với trữ lượng lên tới 65 triệu tấn, thời gian khai thác mỏ dự kiến trong khoảng 20 năm, lớn hơn nhiều so với mức trung bình 6-7 năm của các mỏ Vonfram thông thường.

Ông Hồng cũng cho biết thêm, mặc dù thời gian dự tính hoạt động của mỏ là 20 năm nhưng dự kiến thời gian vận hành mỏ sẽ được mở rộng, hiện tại Núi Pháo tích cực tiến hành chương trình khoan thăm dò liên tục, dẫn đến kết quả kéo dài vòng đời mỏ thêm 3 năm nữa, thân mỏ vẫn đang mở rộng. “Mặc dù mở rộng nhưng mức chi phí đầu tư đối với Masan Resources nếu kéo dài thời gian hoạt động sẽ rất thấp do phần mỏ rộng nằm trên diện tích công ty đã giải tỏa mặt bằng, tái định cư” – ông Hồng chia sẻ.

Hiện tại, thị phần của Masan Resources đối với mảng sản xuất Vonfram chiếm khoảng 33% thị trường ngoài Trung Quốc, dự tính trong tương lai không xa, với việc tìm kiếm khai thác thêm một số mỏ Vonfram khác, Masan Resounces có khả năng sẽ chiếm tới hơn 50% thị phần.

Những mẫu quặng được Masan Resources mang tới buổi hội thảo.

Nói về những khó khăn của thị trường hiện tại, ông Hồng cho biết, mặc dù thị trường hàng hóa nói chung đang gặp khó khăn, giá thành phẩm đang thấp, lại nằm giữa chu kỳ giảm giá của hầu hết các hàng hóa hiện tại, tuy nhiên Masan Resources vẫn đạt được lợi nhuận và tạo ra dòng tiền đều đặn nhờ ưu điểm là một trong những nhà máy Vonfram có chi phí sản xuất thấp nhấp thế giới.

Nhà máy sản xuất của Masan Resources hiện đang đạt mức hơn 95% công suất theo thiết kế, mặc dù hiện nay sự sụt giảm chung của thị trường đang tác động đến hoạt động sản xuất của công ty nhưng Masan Resources tin tưởng rằng nằm 2016 – 2017, dự án Núi Pháo sẽ tăng trưởng tốt.

Về hiệu quả hoạt động của dự án, ông Hồng cho biết, kỳ vọng Núi Pháo sẽ tiếp tục cải thiện hiệu năng hoạt động, dự kiến sẽ mang lại lợi ích hơn 50 triệu USD trong năm 2016 – 2017, hơn 40 triệu USD tăng thêm nhờ giá hàng hóa phục hồi.  Dòng tiền hoạt động kinh doanh sẽ tăng từ 82 triệu USD dự kiến năm 2015 lên tới 213 triệu USD vào năm 2020.

Đồng thời, Masan Resources có tiềm năng trở thành một cổ phiếu có cổ tức tiền mặt cao với kế hoạch chia cổ tức tương đương 50% thu nhập mỗi năm, đặc biệt mức cổ tức dự kiến của Masan Resources được tính bằng USD, công cụ phòng vệ trước rủi ro trượt giá của VND.

Về dự phóng kế hoạch cho những năm tới, đến năm 2017, dự kiến Masan Resources sẽ có tổng tài sản là 27,079 tỷ đồng, tiền mặt là 2,892 tỷ đồng, giá trị sổ sách tương đương 20,327 đồng/cp.

Chia sẻ về lý do tại sao Masan Resources lại chọn HNX để niêm yết, đại diện Công ty cho biết, hiện mỏ Núi Pháo đang hoạt động trong địa bàn tỉnh Thái Nguyên, gần với Hà Nội. Nếu niêm yết tại UPCoM trên sàn HNX, doanh nghiệp sẽ có nhiều cổ đông ở khoảng cách gần hơn, tạo điều kiện cho việc đến thăm, tìm hiểu hoạt động của mỏ Núi Pháo. Đồng thời, cổ phiếu của Masan Resources cũng sẽ có cơ hội tăng cao hơn khi lên sàn. 

  Đăng Tùng