Ngân hàng không muốn thêm gói tín dụng cho giao thông

Ngân hàng không muốn thêm gói tín dụng cho giao thông

Ngân hàng Nhà nước lo ngại phát sinh thêm gói tín dụng cho đầu tư hạ tầng giao thông với quy mô lớn sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, trong khi các nhà băng cũng muốn cho vay theo cơ chế thương mại hiện nay.

Ngân hàng Nhà nước vừa bày tỏ quan điểm chính thức liên quan đến chủ trương gói tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông mà Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu cơ quan này nghiên cứu, đề xuất.

Tại văn bản gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho hay vướng mắc lớn nhất với các tổ chức tín dụng khi cho vay đầu tư hạ tầng giao thông là năng lực tài chính chủ đầu tư yếu kém, không đủ vốn chủ sở hữu dẫn đến nhiều dự án phải dừng hoặc chậm tiến độ. Không ít công trình tăng tổng mức đầu tư khiến dự án giảm hiệu quả, khó khăn khi tìm nguồn vốn bổ sung để tiếp tục thực hiện và trả nợ ngân hàng.

Theo lãnh đạo ngành Ngân hàng, các dự án giao thông có đặc diểm là tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên nhu cầu vốn dài hạn, do vậy sẽ thích hợp hơn nếu dùng nguồn từ trái phiếu Chính phủ, vay ODA hoặc tiền ngân sách.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giám sát chặt cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông.

“Chỉ tính riêng 31 công trình giao thông trọng điểm thì tổng mức đầu tư đã lên đến gần 600.000 tỷ đồng, như dự án hầm Đèo Cả (Quốc lộ 1A) là 15.000 tỷ, dự án nâng cấp tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ 6.700 tỷ”, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước dẫn chứng và khẳng định nếu thực hiện gói tín dụng cho lĩnh vực này thì quy mô vốn phải rất lớn, nhiều khả năng vượt gói 30.000 tỷ hỗ trợ nhà ở đang thực hiện. “Do vậy, nếu phát sinh thêm gói này với thời hạn cho vay dài, quy mô vốn lớn sẽ tác động lớn đến điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước”, báo cáo lo ngại.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng cho hay, các tổ chức tín dụng mong muốn cho vay các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông hoàn toàn theo cơ chế thương mại hiện hành. Theo đó, các tổ chức tín dụng tự thẩm định, quyết định cho vay trên cơ sở hiệu quả của dự án và khả năng cân đối nguồn vốn dài hạn của các ngân hàng mà không cần thiết phải thông qua các gói tín dụng.

Thống kê của ngành ngân hàng cho thấy đến cuối năm 2014, chỉ riêng các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng với lĩnh vực giao thông lên đến gần 115.000 tỷ đồng, dư nợ cấp vào khoảng 69.000 tỷ đồng.

Trong số này, riêng các dự án đầu tư theo hình thức Xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) và Xây dựng – chuyển giao (BT) lần lượt là 88.000 tỷ (cam kết) và gần 38.000 tỷ (dư nợ cấp tín dụng).

Trước đó, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2 ban hành đầu tháng 3, Thủ tướng đã giao cho Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất gói tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Hồi giữa tháng này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã ban hành Chỉ thị tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án giao thông theo mô hình BOT hoặc BT.

Chỉ thị nêu rõ thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã đầu tư một lượng tiền lớn vào các dự án hạ tầng giao thông và có xu hướng gia tăng tại nhiều ngân hàng. Điều này một mặt góp phần đảm bảo tiến độ, khối lượng các công trình giao thông, nhưng qua đó cũng đã bộc lộ một số bất cập trong việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thống đốc yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước phải giám sát thường xuyên diễn biến hoạt động ngân hàng để phát hiện các vi phạm; cảnh báo và xử lý kịp thời các sai phạm của tổ chức tín dụng. Giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng trong cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là các dự án BOT, BT giao thông có thời gian thu hồi vốn kéo dài.

Cùng đó, Chỉ thị yêu cầu các đơn vị phải xem xét thận trọng, chặt chẽ các đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn của các tổ chức tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài.

Khi xem xét hồ sơ vay vốn của khách hàng, Thống đốc lưu ý các tổ chức tín dụng thẩm định kỹ năng lực tài chính của chủ đầu tư, chỉ xem xét cho vay đối với các dự án lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự, đảm bảo có đủ vốn tự có tham gia dự án theo đúng quy định của pháp luật…

Chí Hiếu

vnexpress