Tại sao KDC đầu tư ngân hàng vào lúc này?

Tại sao KDC đầu tư ngân hàng vào lúc này?

CTCP Kinh Đô (HOSE: KDC) tiếp tục thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi bất ngờ tham gia vào lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ là Ngân hàng. Vậy điều gì khiến KDC quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực này sau phong trào tháo chạy khỏi lĩnh vực tài chính của nhiều doanh nghiệp lớn?

KDC đã gây không ít bất ngờ cho giới đầu tư khi chuyển nhượng mảng bánh kẹo chính của mình và chuyển hướng đầu tư sang các sản phẩm hoàn toàn mới mẻ là Mì ăn liền, Dầu ăn và Cà phê.

Trong lĩnh vực Mì ăn liền, KDC hợp tác cùng Công ty TNHH Sài Gòn Vewong (với sản phẩm A-One); Dầu ăn thì đầu tư vào Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex). Gần đây, KDC đã cùng Tập đoàn Felda Global Ventures (FGV) của Malaysia và Tập đoàn Indo-Trans Logistics Corporation (ITL) ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dầu cọ đóng chai tại thị trường Việt Nam; còn trong lĩnh vực Cà phê thì KDC hợp tác với PhinDeli.

Sau ngã rẽ bất ngờ này, KDC tiếp tục gây sự chú ý cho giới đầu tư khi tham gia vào lĩnh vực Ngân hàng. Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới với KDC, vậy điều gì đã khiến KDC quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực tài chính này?

Giảm bớt áp lực tiền mặt. Theo thông tin từ ĐHCĐ, sau khi hoàn tất chuyển giao mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại, KDC sẽ dành khoảng 1,725 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư kinh doanh mảng F&B hiện tại, lượng tiền mặt còn lại khoảng 7,843 tỷ đồng sẽ chia cổ tức 4,620 tỷ đồng; và như vậy, KDC sẽ còn tới 3,220 tỷ đồng tiền mặt để tiếp tục đầu tư. Với lượng tiền mặt rất lớn này thì rõ ràng áp lực giải ngân của KDC là khá cao, đặc biệt là khi nguồn vốn đầu tư cho các ngành hàng mới đã được chuẩn bị đầy đủ.

Như vậy, việc đầu tư 1,000 tỷ đồng vào NHTMCP Đông Á (DongABank) rõ ràng sẽ giúp KDC giảm bớt gánh nặng giải ngân, và áp lực này sẽ tiếp tục giảm khi KDC cũng dự kiến sẽ gia tăng đầu tư tại ngân hàng này trong thời gian tới.

Bắt đáy cổ phiếu Ngân hàng. Nhóm cổ phiếu Ngân hàng thường được dòng tiền chú ý khi nền kinh tế bước vào xu hướng hồi phục sau khủng hoảng. Có thể thấy rõ điều này khi các cổ phiếu Ngân hàng đã được dòng tiền chú ý trên thị trường kể từ cuối năm 2014 đến nay. Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng cũng đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây.

Do đó, đây có thể xem là cơ hội để KDC tham gia bắt đáy cổ phiếu ngành Ngân hàng và DongABank có thể lựa chọn không tồi khi mức P/B của DongABank vẫn đang hấp dẫn hơn nhiều so với các ngân hàng niêm yết. Thông tin cho thấy KDC sẽ đầu tư 1,000 tỷ đồng với giá mua vào 10,000 đồng/cp và nắm 16.6% vốn ở DongABank.

Chỉ số định giá một số cổ phiếu Ngân hàng (tại ngày 22/07)

Chuẩn bị nguồn lực cho tương lai. Với lượng tiền mặt hiện có, KDC hoàn toàn đủ lực để có thể tiếp tục đầu tư trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc tham gia lĩnh vực Ngân hàng có thể là bước đi chiến lược quan trong tạo sự vững mạnh về nguồn lực tài chính cho KDC trong tương lai, khi cần thêm nguồn vốn để hoạt động cũng như đầu tư hay M&A.

Duy Nam