CEO NT2: Trung gian nhận từ GAS 11 triệu USD để chuyển cho EVN

CEO NT2: Trung gian nhận từ GAS 11 triệu USD để chuyển cho EVN

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư tại HOSE, ông Hoàng Xuân Quốc, Tổng Giám đốc CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2) cho biết tính toán một cách thận trọng thì nhiều khả năng năm 2015 công ty sẽ thực hiện được 900 tỷ đến 1,000 tỷ đồng lợi nhuận, thuận lợi từ thời tiết trong quý 3 cũng như việc nhà máy Khí – Điện Đạm Cà Mau ngừng hoạt động 2 tuần là các yếu tố khách quan củng cố cho khả năng này.

Theo ông Quốc tính toán, cuối tháng 6 công ty ghi nhận 622 tỷ đồng lãi ròng, tháng 7 thực hiện thêm 90 tỷ đồng còn các tháng còn lại của năm mỗi tháng trung bình đem về khoảng 100 tỷ đồng thì mức lợi nhuận từ 900 tỷ đến 1,000 tỷ đồng là hoàn toàn có thể thực hiện được. Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm chưa ghi nhận 150 tỷ doanh thu hồi tố, như vậy 6 tháng cuối năm NT2 sẽ được ghi nhận thêm khoản lợi nhuận này nữa.

Ban lãnh đạo NT2 trả lời nhà đầu tư tại hội thảo

Mặt khác, theo yếu tố thời vụ thì quý 3 là thời điểm doanh thu lợi nhuận ít nhất do mùa mưa ưu tiên dùng điện từ các nhà máy thủy điện. Song năm nay, mưa khá ít dẫn đến sản lượng tiêu thụ điện của NT2 vẫn đảm bảo đều đặn. Riêng trong tháng 7, sản lượng tiêu thụ điện đã vượt 141% kế hoạch, tháng 8 cũng chắc chắn sẽ hoàn thành kế hoạch. Đồng thời, nhà máy Khí – Điện Đạm Cà Mau dừng hoạt động trong 2 tuần để bảo dưỡng định kỳ cũng giúp cho sản lượng tiêu thụ điện của NT2 tăng lên đáng kể.

Ông Quốc cũng chia sẻ hầu như bộ máy nhân sự đều nằm ở tại nhà máy, không tốn chi phí chi nhánh, chi phí bán hàng và không có hàng tồn kho cho nên tổng chi phí được tiết giảm đến mức tối đa.

Tính đến cuối quý 2/2015, công ty còn nợ phải trả lên đến 7,520 tỷ đồng, đến cuối năm sẽ giảm xuống còn khoảng 6,800 tỷ đồng, ông Quốc khẳng định NT2 đang sử dụng rất hiệu quả vốn vay, tỷ suất lợi nhuận đem lại khoảng 15% cao hơn mức lãi phải trả ngân hàng.

Xây nhà máy mới nâng công suất lên gấp đôi, năm 2020 có thể phát điện

Về định hướng trong tương lai, ông Quốc chia sẻ miếng đất 42 ha hiện nay mới sử dụng được một nửa, phần còn lại đã giải phóng mặt bằng và trả tiền cho chính quyền. Công ty dự kiến sẽ đầu tư xây dựng nhà máy mới với tổng đầu tư khoảng 715 triệu USD. Nhiều khả năng NT2 sẽ phải mất 2 năm để thực hiện tất cả các thủ tục cần thiết như xin giấy phép từ các bộ, giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường, phương án tăng vốn, đàm phán chi tiết các khoản vay… Dự án vẫn đang chờ phê duyệt, theo đó dự kiến 2017 khởi công và năm 2020 thì có thể phát điện.

Ông Quốc cho biết để có vốn thực hiện dự án, NT2 sẽ nhờ đến Citi Bank (Mỹ) làm đơn vị tiến hành thu xếp vốn. Ngoài ra, công ty sẽ huy động thêm bằng cách phát hành tăng vốn.

Đối với vấn đề cạnh tranh, ông Quốc khẳng định hiện NT2 đang có lợi thế về giá do chi phí xây dựng, các nhà máy xây sau sẽ phải chào giá cao hơn, theo đó NT2 cũng được nâng giá theo.

Hơn nữa, Chính phủ đặt mục tiêu đến 2020, Việt Nam trở thành nước phát triển theo hướng hiện đại, cho nên sản lượng điện phải tăng lên ít nhất 4 lần nữa nên cầu về điện rất lớn.

Trung gian nhận từ GAS 11 triệu USD để chuyển cho EVN

Trước đây, giá khí NT2 sử dụng là giá khí Nam Côn Sơn do Bộ Công thương xác định và vốn cao hơn giá khí thị trường, theo quyết định của Thủ tướng thì giá khí này được tính theo giá thị trường có hiệu lực từ tháng 5 và giá này giảm được 12% so với trước đây. Cho nên bắt buộc Tổng công ty khí Việt Nam (HOSE: GAS) phải trả tiền thừa lại cho các đơn vị tiêu thụ trong đó có NT2 do hồi tố. Hiện công ty đang trong quá trình đàm phán để xác định giá trị của khoản tiền bồi hoàn này, ước tính GAS sẽ phải trả lại NT2 số tiền 11 triệu USD.

Dự kiến khoản tiền sẽ được thanh toán ngay tháng đầu tiên tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Tuy nhiên, NT2 sẽ phải trả lại khoản tiền này cho EVN, trong thương vụ NT2 chỉ đóng vai trò trung gian nên mức hưởng lợi có nhưng không nhiều.

Mỹ Hà