PVT: Kế hoạch lãi tăng trưởng 30%/năm giai đoạn 2016-2020

PVT: Kế hoạch lãi tăng trưởng 30%/năm giai đoạn 2016-2020

Trong thời gian qua, một số nước nhập khẩu đã tận dụng giá dầu giảm mạnh để gia tăng sản lượng dự trữ. Chính điều này đã giúp lượng dầu vận chuyển tăng mạnh kéo theo cước phí thuê tàu dầu của doanh nghiệp vận tải biển nói chung và PVT nói riêng được gia tăng đáng kể.

Đó là chia sẻ của ông Phạm Việt Anh – Tổng giám đốc Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (HOSE: PVT) lý giải về những con số doanh thu, lợi nhuận khả quan được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư chiều ngày 07/08 tại TPHCM.

6 tháng lãi ròng đạt hơn 71% kế hoạch

Nhận định về tình hình kinh tế thế giới trong 6 tháng qua, đại diện PVT cho biết, bất ổn chính trị và kinh tế tại một số khu vực trên thế giới làm thị trường vận tải biển không có nhiều khởi sắc. Thêm vào đó, từ cuối năm 2014 đến nay mặc dù khối lượng hàng hóa chuyên chở có xu hướng tăng trở lại nhưng ngành vận tải biển phục hồi chậm chạp do lượng cung tàu vẫn lớn.

Các loại hình vận tải có sự phục hồi không đồng đều, trong đó vận tải hàng lỏng và hàng rời tăng trưởng trung bình, còn vận tải LNG và Offshore tăng trưởng tốt, riêng vận tải container vẫn còn rất khó khăn.

Những bất lợi từ thế giới đã ảnh hưởng đến thị trường trong nước khiến vận tải vẫn chưa hồi phục, tăng trưởng ở mức thấp. Hầu hết các công ty vận tải biển trong nước vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, về tài chính… Thêm vào đó, tình hình căng thẳng tại biển đông cũng là yếu tố bất lợi cho hoạt động vận tải biển tại khu vực.

Điểm sáng xuất hiện đáng chú ý trong nửa đầu năm đến từ sự kiện Nhà máy lọc dầu Dung Quất trở lại hoạt động ổn định cũng như việc tăng sử dụng dầu thô trong nước làm nguyên liệu đầu vào đã giúp PVT khai thác hiệu quả hơn đội tàu chở dầu thô và đội tàu chở dầu sản phẩm.

PVT cũng đưa tàu FSO Đại Hùng Queen đi vào hoạt động từ cuối tháng 5/2015 đã mang thêm nguồn doanh thu và lợi nhuận cho công ty. Đồng thời, hoạt động vận tải hàng rời đặc biệt là vận tải than đã đi vào ổn định sau khi PVT ký hợp đồng vận chuyển dài hạn với Vinacomin.

Với những thuận lợi đó, 6 tháng đầu năm PVT đều vượt mức kế hoạch đề ra của 6 tháng, trong đó lãi ròng hơn 136 tỷ, thực hiện được hơn 71% kế hoạch năm nay (191 tỷ đồng).

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 của PVT

Về vận tải dầu thô, tàu PVT Mecury đã đi vào hoạt động ổn định nâng cao năng lực đội tau vận tải dầu thô. Mặt khác hoạt động của nhà máy lọc dầu Dung Quất không bị ngừng bảo dưỡng như năm 2014 nên sản lượng nhập dầu nguyên liệu tăng lên. Trong quý 2 và 6 tháng cuối năm, sản lượng nhập dầu của Dung Quất tiếp tục tăng lên mạnh, để đảm bảo kế hoạch 6.5 triệu tấn.

Đặc biệt, cước phí trong vận tải dầu thô trên thị trường quốc tế không những ảnh hưởng bởi giá dầu đi xuống mà còn tăng trưởng tích cực hơn do giá cước phí vận tải tăng lên bởi các nhà nhập khẩu dầu gia tăng dự trữ. Hiệu quả hoạt động vận tải dầu của PVT cũng lạc quan do chi phí hoạt động giảm khi giá nhiên liệu đầu vào giảm, trong khi phí vận chuyển dầu là không bị ảnh hưởng khi giá dầu ở mức 50-60 USD/thùng.

Đối với hoạt động vận tải sản phẩm dầu khí, sản lượng vận tải sản phẩm cho các đơn vị như Lọc hóa dầu Bình Sơn, PVGas vẫn tăng trưởng tốt do lượng hàng hóa tiêu thụ tăng. Công ty tiếp tục hợp tác với các đối tác để phát triển gia tăng các thị trường, hợp đồng mới.

Hoạt động vận tải than từ năm 2015 mảng này sẽ có bước phát triển mạnh do dự án nhiệt điện Vũng Áng đi vào hoạt động ổn định hơn, các dự án nhiệt điện than Thái Bình 2, Long Phú, Sông Hậu, sẽ hoàn thành đi vào hoạt động trong một vài năm tới. Năm 2015 PVT thực hiện hợp đồng vận tải 1 triệu tấn than cho Nhiệt điện Vũng Áng.

Về hoạt động FSO/FPSO, dự án hoán cải FSO Đại Hùng Queen đã hoàn thành đúng tiến độ và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/2015 sẽ góp phần không nhỏ vào kết quả hoạt động của công ty trong năm 2015 và các năm tiếp theo. Doanh thu cho thuê kho nổi thường chiếm 10% tổng doanh thu của công ty và khoảng 10% lợi nhuận hàng năm bởi biên lợi nhuận của mảng này là khá cao.

Thị phần và trọng tải tàu của PVT

Kế hoạch lãi tăng trưởng 30%/năm giai đoạn 2016-2020

Với tình hình đó, PVT ước doanh thu cả năm vượt 10% kế hoạch và lợi nhuận trước thuế gấp đôi kế hoạch. Cụ thể, doanh thu dự kiến đạt mức 5,594 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 500 tỷ đồng.

Dự kiến kết quả kinh doanh 2015 của PVT

Ban lãnh đạo PVT cũng cho biết, nhu cầu vận chuyển tăng trong 6 tháng cuối năm tăng nên PVT sẽ đầu tư thêm 1 tàu dầu sản phẩm 13,000 DWT, 1 tàu hàng rời trọng tải 30,000 DWT vào cuối năm 2015. Còn giai đoạn 2016-2020, PVT có kế hoạch đầu tư thêm 33 tàu và xà lan với tổng mức đầu tư 506 triệu USD.

Kế hoạch đầu tư của PVT giai đoạn 2016-2020

Theo đó, kế hoạch cho giai đoạn này cũng dự kiến với tốc độ tăng trưởng 10% về vốn điều lệ, tổng doanh thu tăng khoảng 15% và lợi nhuận trước thuế là 30%.

Dự kiến kế hoạch của PVT giai đoạn 2016-2020

PVN tăng nắm giữ lên 51%

Về cơ cấu sở hữu, ngày 3/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định PVN giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ tại PVT là 51% vốn điều lệ thay cho mức 36% của trước đó. Theo PVT, với việc tăng tỷ lệ sở hữu, PVN sẽ tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho PVT tham gia vào việc vận chuyển hàng lỏng, hàng rời cho các dự án của PVN hiện tại và tương lai như dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, Long Phú, Sông Hậu… với nhu cầu vận chuyển hàng chục triệu tấn dầu thô, sản phẩm dầu khí, than mỗi năm.

Tuy nhiên, ông Phạm Việt Anh – Tổng giám đốc cho biết, trong thời gian tới, nếu PVT có nhu cầu tăng vốn mà PVN không đầu tư thêm thì có thể PVT sẽ phát hành cổ phần, tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước vì thế sẽ giảm xuống.

Về tình hình công nợ tại thời điểm cuối quý 2/2015, trong đó nợ dài hạn là 3,600 tỷ đồng, ông Phạm Việt Anh – Tổng giám đốc cho biết, đây là những khoản vay để đầu tư tàu với lãi suất khá tốt nhờ sự hỗ trợ của PVN, có những thời điểm lãi suất 0%. Còn đối với khoản vay Citibank thì lãi suất cố định, giao động quanh mức 5%.

Nhà đầu tư cũng thắc mắc về việc tỷ giá biến động sẽ ảnh hưởng đến khoản vay ngoại tệ của PVT, ông Việt Anh chia sẻ, công ty dự kiến biến động tỷ giá 3% trong năm nay, hiện không bị tác động mạnh như thời điểm 2011. Tuy nhiên, PVT đã kiểm soát chặt khoản vay này để xử lý, tại thời điểm cuối năm 2014 là 126 triệu USD, nhưng cuối tháng 6/2015 chỉ còn 111 triệu USD, kế hoạch mỗi năm PVT trả 23-24 triệu USD.

Ông khẳng định “PVT đã lường trước được khó khăn chung về tỷ giá của thị trường, nên đây không phải là vấn đề quá lớn và PVT có thể kiểm soát được”.

Lý giải vì sao chi phí quản lý tăng mạnh trong quý 2/2015, ông cũng cho biết, do tình hình sản xuất kinh doanh tốt và để dự phòng cuối năm cũng như né thuế, nên PVT cho các đơn vị trích lập tối đa quỹ lương. Về cơn bản chi phí quản lý không tăng so với các năm trước.

Còn đối với doanh thu tài chính quý 2/2015 giảm so với cùng kỳ do PVT gửi có kỳ hạn trong khi lãi suất huy động giảm, nhưng tiền và các khoản tương đương của PVT lại không chênh lệch nhiều, đang quanh mức 2,000 tỷ đồng.

Ông cũng nói thêm, trong khoản mục phải thu xuất hiện khoản tiền phạt, thực chất đây là phí lưu tàu, chi phí này nằm ngoài giá cước.


Thanh Nụ