Tháng 8: Giá nhiên liệu giảm “kìm” tốc độ tăng giá

Tháng 8: Giá nhiên liệu giảm “kìm” tốc độ tăng giá

Báo cáo nhanh về tình hình giá cả thị trường trong tháng 8, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo giá thế giới một số mặt hàng nhiên liệu như xăng dầu thành phẩm, LPG (gas), gạo xuất khẩu tháng 8 giảm hoặc ở mức thấp, tạo thuận lợi cho điều hành giá thị trường trong nước.


CPI tháng 7 tăng thấp nhờ nhiều mặt hàng giảm giá. Ảnh Hồng Vân

Từ 1-8, giá gas đã giảm thêm 8.000 đồng/bình/12kg. Tính từ đầu năm đến nay, giá sản phẩm này đã giảm tổng cộng 63.000 đồng/bình/12kg. Giá gas những năm gần đây đã được điều hành tiệm cận với thị trường thế giới, có tăng, có giảm. Nguồn cung LPG trên thị trường thế giới trong tháng 7-2015 tương đối dồi dào và đang là thời điểm mùa hè nên dự kiến giá LPG thế giới và trong nước giảm nhẹ.

Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong nước, cung cầu hàng hóa tháng 8 tiếp tục được bảo đảm. Một số yếu tố làm tăng giá trong tháng này phải kể đến việc chuẩn bị vào năm học 2015-2016 nên nhu cầu mua sắm quần áo, giầy dép và sách vở, đồ dùng học tập, văn phòng phẩm... tăng. Tháng 8 tiếp tục là mùa mưa bão, với các tác động đến đời sống, và sản xuất, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung, làm tăng giá cục bộ tại các địa phương bão đi qua.  

Tuy nhiên, chương trình bình ổn giá phục vụ mùa khai trường 2015-2016 được thực hiện hiệu quả từ đầu năm tại một số địa phương (điển hình là TP. Hồ Chí Minh); lãi suất tương đối ổn định, tỷ giá USD/VNĐ tại các ngân hàng thương mại ổn định...; các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả, ổn định kinh tế vĩ mô theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3-1-2015 của Chính phủ... là những yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng cả nước tháng 8 ở mức thấp.

Kiến nghị biện pháp bình ổn giá, Bộ Tài chính cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế; kịp thời có giải pháp bình ổn thị trường, giá cả không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng, tung tin thất thiệt gây tăng giá đột biến, cục bộ. Đồng thời, chủ động phòng chống bão, lũ theo chỉ đạo của Trung ương, kịp thời có biện pháp khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, đời sống.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng Nhà nước còn định giá, mặt hàng bình ổn giá (điện, than, xăng dầu, dịch vụ công...).

Trong trường hợp phải điều chỉnh giá các bộ, ngành, địa phương phải có đánh giá tác động và cân nhắc mức độ, thời điểm điều chỉnh thích hợp, tránh điều chỉnh dồn vào một đợt hoặc điều chỉnh đồng thời với các mặt hàng khác để để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý, hạn chế tác động đến mặt bằng giá cả thị trường năm 2015.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương cần phối hợp điều hành hài hòa trong quá trình xây dựng và điều hành giá Dịch vụ khám chữa bệnh và giá Dịch vụ giáo dục theo lộ trình.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7-2015 tăng 0,13% so với tháng 6-2014. Mức tăng CPI tháng 7-2015 thấp hơn so với tháng trước (tháng 6-2015 tăng 0,35%); nếu loại trừ năm 2012, CPI tháng 7-2015 so với tháng trước có mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua.

CPI tháng 7-2015 tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,68% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,86%. Đây cũng là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2002 trở lại đây.

Minh Anh

hải quan