NHNN hạ trần lãi suất USD: Chủ yếu nhằm giải tỏa áp lực tỷ giá ngắn hạn

NHNN hạ trần lãi suất USD: Chủ yếu nhằm giải tỏa áp lực tỷ giá ngắn hạn

Có thể thấy việc hạ lãi suất USD lần này chủ yếu nhằm khơi thông nguồn vốn ngoại tệ, giải tỏa áp lực tỷ giá trong ngắn hạn.

“Rút ngoại tệ về để cất kho ư? Không có chuyện đó”

NHNN bất ngờ hạ trần lãi suất USD còn 0,25%

Hạ trần lãi suất gửi USD nhằm khơi thông nguồn vốn ngoại tệ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa bất ngờ phát đi thông báo hạ trần lãi suất gửi USD với cá nhân từ 0.75%/năm xuống còn 0.25%/năm áp dụng ngay từ ngày 28/9. Song song với việc hạ trần lãi suất tiền gửi USD với dân cư, NHNN cũng quy định tổ chức gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ này sẽ không còn được hưởng lãi (0%) kể từ ngày 28/9.

Như vậy, nếu so với lãi suất tiền gửi bằng VNĐ đang thực dương, thì hạ lãi suất tiền gửi USD này sẽ khiến việc nắm giữ đồng USD không còn hấp dẫn như trước nữa. Như vậy, sẽ thúc đẩy người dân cũng như doanh nghiệp không còn muốn găm giữ ngoại tệ, từ đó sẽ giúp tạo thêm nguồn cung ngoại tệ trên thị trường, giảm bớt áp lực tỷ giá cũng như giảm bớt tình trạng đôla hóa trong hệ thống tài chính.

Áp lực tỷ giá đang ở mức nào?

Chính sách điều hành tỷ giá đang phải giải quyết nhiều khó khăn trong giai đoạn hiện tại. Hoạt động xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực đã giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc liên tục tăng cao, đặc biệt là sau khi nước này hạ giá mạnh đồng Nhân dân tệ.

Cụ thể, nhập siêu đã tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm lên mức 3.9 tỷ USD, đối lập hoàn toàn so với con số thặng dư 2.5 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân xuất phát từ sự sụt giảm trong xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản (Thuỷ sản, Gạo, Cà phê, Cao su), Khai khoáng (chủ yếu dầu thô) và hoạt động nhập khẩu tăng mạnh từ Trung Quốc. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2015, lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ước tính đạt 32.7 tỷ USD, chiếm 29.8% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 20.4% so với cùng kỳ năm trước; và nhập siêu từ Trung Quốc 8 tháng đầu năm vào khoảng 22.3 tỷ USD.

Như vậy, có thể thấy việc hạ lãi suất USD lần này chủ yếu nhằm giải tỏa áp lực tỷ giá trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, áp lực về nguồn ngoại tệ để trả nợ công càng khiến cho nỗi lo về nguồn cung USD tăng cao.

Đâu là những nỗi lo?

Một điểm cần chú ý đó là mức hạ lãi suất này không quá lớn khi chỉ 0.25% với doanh nghiệp và 0.5% với cá nhân. Liệu điều này có thể thúc đẩy người dân cũng như doanh nghiệp bán ra ngoại tệ đặc biệt là khi hoạt động găm ngoại tệ thời gian qua chủ yếu là nhằm hưởng lợi từ việc tỷ giá tăng chứ không hẳn vì lãi suất.

Ngoài ra, liệu việc hạ lãi suất này có khiến Việt Nam mất đi sức hút trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài? Và liệu rằng việc hạ lãi suất này có giữ được lâu, khi Fed nhiều khả năng đang chuẩn bị tăng lãi suất trong thời gian tới.

Thành công của việc hạ lãi suất tiền gửi USD lần này sẽ cần có thời gian để xem xét. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu nếu giải pháp này không thành công thì NHNN sẽ phải làm gì để có thể duy trì mặt bằng tỷ giá trong thời gian tới. Đặc biệt là khi việc điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ tiếp tục ảnh hưởng lên lạm phát và khiến cho rủi ro về nợ công gia tăng.

Duy Nam