Nhu cầu vay ngoại tệ giảm

Nhu cầu vay ngoại tệ giảm

Theo báo cáo 8 tháng đầu năm của NHNN chi nhánh TP.HCM, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tăng khoảng 6,5% so với cuối năm 2014. Đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Trong đó, dư nợ cho vay bằng tiền đồng đạt 975.000 tỉ đồng, tăng 7,94% so với cuối năm 2014, dư nợ ngoại tệ đạt 162.500 tỉ đồng, giảm 1,23% so với cuối năm ngoái.

Phân tích tình hình tín dụng của TPHCM đến hết 7 tháng đầu năm nay cho thấy, các dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế cũng như nhu cầu vốn cho nền kinh tế tăng đã tác động đến tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng tại TPHCM. Con số 6% tăng trưởng tín dụng trong 7 tháng năm nay đã cao hơn hẳn mức 4,25% của 7 tháng năm 2014.

Cùng thời gian này của năm 2013, tín dụng tăng 4,72%, và năm 2012 thì dư nợ tín dụng trong 7 tháng đầu năm lại giảm. Nếu so về kỳ hạn, tín dụng trung, dài hạn đã ngày càng chiếm tỉ trọng cao hơn trong tổng dư nợ tín dụng và có sự tăng trưởng đều đặn từ đầu năm đến nay. Đến cuối tháng 8 dư nợ cho vay trung dài hạn vào khoảng 626.500 tỉ đồng, tăng 13,45% so với cuối năm 2014.

Trong khi đó, dư nợ cho vay ngắn hạn chỉ đạt 511.000 tỉ đồng, giảm 0,9% so với cuối năm ngoái. Đây cũng là một tín hiệu tốt của tín dụng khi doanh nghiệp đã mạnh dạn vay đầu tư, sản xuất thay vì chỉ vay vốn lưu động như các năm trước.

Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý đó là dư nợ cho vay ngoại tệ đã giảm dần trong các tháng gần đây khi doanh nghiệp đã bớt vay bằng ngoại tệ, thay vào đó là vay bằng tiền đồng. Một trong các nguyên nhân chính vẫn là do tỉ giá biến động khá mạnh trong các tháng đầu năm. Tính đến nay, giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 5% so với đầu năm.

Hiện tại, lãi suất cho vay ngoại tệ ngắn hạn theo thống kê của NHNN chi nhánh TPHCM vào khoảng 3,97% đến 4,79%/năm, trong khi đó, lãi suất tiền đồng khoảng 7%/năm. Nếu tính cả rủi ro tỉ giá thì vay tiền đồng đang có lợi hơn. Đó cũng chính là lý do khiến dư nợ cho vay ngoại tệ sau khi tăng mạnh trong 2014 (tăng trên 20%), thì nay đã chững lại.

Phó giám đốc một NHTM CP ở TP.HCM cho biết, hiện tại các doanh nghiệp nhập khẩu đã đàm phán mua ngoại tệ có kỳ hạn với ngân hàng, cụ thể là chốt giá ngay khi đăng ký mua cho khoản ngoại tệ sẽ về trong tương lai, đồng thời các doanh nghiệp còn dư nợ ngoại tệ với ngân hàng cũng đã trả nợ trước hạn. Còn doanh nghiệp xuất khẩu thì đã bớt bán ngoại tệ cho ngân hàng như trước. Những động thái này cho thấy doanh nghiệp lo ngại rủi ro tỉ giá có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tỉ giá trong thời gian qua.

Sẽ cho vay ngoại tệ trung và dài hạn

Theo dự thảo thông tư đang được NHNN lấy ý kiến, có một điểm mới đó là doanh nghiệp được vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án, dự án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam nếu có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Khi được giải ngân vốn cho vay, doanh nghiệp vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay. Bên cạnh đó, một điểm mới nữa đó là theo quy định trước đây, đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu và doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu được vay ngắn hạn, nhưng chỉ được thực hiện trong thời gian một năm. Theo đó, hai đối tượng được vay ngoại tệ này hằng năm phải chờ xem có được tiếp tục gia hạn cho phép vay ngoại tệ hay không. Trong khi đó, dự thảo thông tư mới dự kiến thay thế thông tư 43 lại không quy định thời hạn này.

lao động