Chỉ trong 4 ngày, 4 NHTW đã hành động – ai sẽ là người tiếp theo?

Chỉ trong 4 ngày, 4 NHTW đã hành động – ai sẽ là người tiếp theo?

“Đã có khoảng hơn 70 động thái nới lỏng khác nhau của các ngân hàng trung ương trong năm 2015”

Hàng loạt lời trấn an từ các ngân hàng trung ương (NHTW) toàn cầu đã khiến các thành phần tham gia thị trường giật mình trong các ngày gần đây. Liệu nhà đầu tư có “thót tim” lần nữa với quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và NHTW Nhật Bản (BoJ) trong tuần này?

 

Simon Derrick, Trưởng chiến lược gia tiền tệ tại BNY Mellon, vừa liệt kê phản ứng của các nhà làm chính sách sau cuộc họp báo hôm thứ Năm tuần trước của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Chủ tịch ECB Mario Draghi đã đề cập đến lãi suất tiền gửi âm và khiến nhà đầu tư suy nghĩ đến việc gia tăng quy mô hiện ở mức 1,000 tỷ EUR của chương trình nới lỏng định lượng (QE) khi cơ quan này nhóm họp lần nữa vào tháng 12 tới. Chỉ trong 24 giờ sau đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tuyên bố hạ lãi suất cơ bản lần thứ 6 kể từ tháng 11 năm ngoái.

Tiếp đó vào ngày Chủ Nhật, cả Thống đốc NHTW Anh (BoE) Mark Carney và Phó Chủ tịch NHTW Thụy Sỹ (SNB) Fritz Zurbruegg đều gửi đi thông điệp mang tính “bồ câu”, tức ủng hộ việc kích thích kinh tế và giảm lãi suất.

“Dù tất cả những động thái hoặc nhận định trên đều rất đáng chú ý nhưng điều làm cho các động thái cũng như những nhận định này đặc biệt thú vị là đã xảy ra quá sớm sau cuộc họp báo của ông Mario Draghi. Điều đó cũng hơi giống như cách mà các ngân hàng trung ương đã phản ứng trước thông tin ECB sắp áp dụng QE vào tháng 1 năm nay”, ông Derrick cho biết trong báo cáo công bố sáng ngày thứ Ba.

Được biết, ngay sau động thái trong tháng 1 năm nay của Chủ tịch ECB Mario Draghi, ngân hàng trung ương các nước Đan Mạch, Thụy Sỹ, Singapore, Ấn Độ, Canada và New Zealand cũng đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp can thiệp. Ông Derrick lưu ý, chỉ số đồng USD đã tăng khoảng 8.5% kể từ khi ECB công bố gói QE vào ngày 22/01 l đến mức đỉnh xác lập vào giữa tháng 3 nhờ vô số động thái chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.

“Điều này sau đó đã làm dấy lên thắc mắc là liệu Fed (hay BoJ) có cảm thấy cần thiết để gửi đi một thông điệp “bồ câu” hơn trong tuần này hay không”, ông cho biết thêm.

Fed bắt đầu cuộc họp 2 ngày vào ngày thứ Ba và được dự báo chưa nâng lãi suất. Theo dự kiến, ngân hàng trung ương sẽ thông báo kết quả cuộc họp vào ngày thứ Tư theo giờ địa phương nhưng các nhà kinh tế kỳ vọng cơ quan này sẽ để ngỏ khả năng nâng lãi suất vào tháng 12 – khi đó nhiều khả năng Fed sẽ nghiêng về hướng thắt chặt hơn là nới lỏng.

Trong khi đó, cuộc họp vào cuối tuần này của BoJ có vẻ giống như một trò chơi may rủi hơn. Hiện BOJ đang bận bơm tiền vào nền kinh tế khi tăng trưởng GDP trong các thập kỷ gần đây liên tục suy yếu.

Natixis, một ngân hàng đầu tư Pháp, dự báo BoJ sẽ hành động dứt khoát trong tuần này đồng thời cho rằng nguy cơ xảy ra một cuộc “suy thoái kỹ thuật” đã gia tăng. Trong một báo cáo ngày thứ Ba, Natixis cho biết: “BoJ có thể gia tăng quy mô của chương trình mua tài sản thêm 5 ngàn tỷ JPY tại cuộc họp ngày 30/10 với việc mua vào nhiều hơn các quỹ ETF, quỹ đầu tư tín thác bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu thương mại”.

2015 thực sự đã trở thành năm của các ngân hàng trung ương. Các thành phần tham gia thị trường một lần nữa đưa ra ý kiến rằng các ngân hàng trung ương đang bị mắc kẹt trong “cuộc chiến tiền tệ”, một thuật ngữ dùng để mô tả các biện pháp can thiệp nhằm hạ thấp giá trị đồng nội tệ và thúc đẩy xuất khẩu quốc gia.

Matthew Beesley, Trưởng Bộ phận Cổ phiếu Toàn cầu tại Henderson Global Investors, ước tính đã có khoảng hơn 70 động thái nới lỏng khác nhau của các ngân hàng trung ương trong năm 2015. “Đó là một sự hỗ trợ tiền tệ rất lớn”, ông cho biết”.

Phước Phạm (Theo CNBC)