Cotecons: Diều đang gặp gió?

Cotecons: Diều đang gặp gió?

Là cổ phiếu ít bị pha loãng sau 5 năm niêm yết bởi vốn điều lệ đến nay cũng chỉ tăng thêm khoảng hơn trăm tỷ, trong khi đó CTD đang ở đỉnh cao của thị giá khi chạm mốc 117,000 đồng/cp. Cổ phiếu CTD của ông lớn trong ngành xây lắp Cotecons gần như không có đối thủ!

Vốn điều lệ của CTD kể từ khi niêm yết đến nay

Cách đây 5 năm, CTCP Xây dựng Cotec - Cotecons (HOSE: CTD) lên sàn với mức giá trên dưới 95,000 đồng/cp, qua hai năm, mức giá giảm sâu nhất nhưng cũng dừng lại trên 16,000 đồng/cp vào tháng 11/2011. Kể từ đó, cổ phiếu CTD đã tích lũy không mệt mỏi và có thể thấy lên như diều gặp gió, đến nay đạt mức 117,000 đồng/cp và vốn hóa lên đến 5,060 tỷ đồng.

Diễn biến cổ phiếu CTD kể từ khi niêm yết (2010) đến 16/10/2015

Nguồn: VietstockFinance. Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/10/2015, cổ phiếu CTD đạt mức giá 117,000 đồng/cp.

Gia nhập ngành xây dựng từ năm 2003 với những dự án chủ yếu là nhà máy và một số cao ốc, giá trị mỗi hợp đồng thường trên dưới trăm tỷ. Đến năm 2008, CTD tham gia vào phân khúc dự án du lịch nghỉ dưỡng và bắt đầu nhận thầu những hợp đồng thầu trên ngàn tỷ. Theo đó, tính đến nay, mặc dù được xếp vào nhóm xây dựng dân dụng nhưng CTD đã có hơn 110 hợp đồng thầu các công trình từ nhà máy, cao ốc đến giao thông BOT ở khắp các tỉnh thành tại Việt Nam, tổng giá trị hợp đồng các dự án ước hơn 40,000 tỷ đồng.

Thống kê của người viết ghi nhận giai đoạn 2003-2015, CTD nhận 113 hợp đồng thầu. Trong đó 79 dự án đã được thi công xong, còn lại 34 dự án đang thi công, phần lớn là những dự án mới nhận trong năm 2014 và 2015. Đây cũng là thời gian mà CTD nhận được những hợp đồng thầu nhiều dự án lớn như Goldmark City trị giá 3,000 tỷ, QL.1 - Phủ Lý Hà Nam trên 2,000 tỷ, Masteri Thảo Điền 3,000 tỷ, The Gold View 2,500 tỷ hay Vinhomes Central Park – Tân Cảng 1,860 tỷ, Vinhomes Times City Park Hill 1,088 tỷ hay Diamond Lotus 1,300 tỷ đồng...

Dự án Lexington Residence

Dự án Lexington Residence tọa lạc tại đường Mai Chí Thọ, phường An Phú, quận 2, TP.HCM. Giá trị hợp đồng 850 tỷ đồng, dự kiến bàn giao cho chủ đầu tư vào tháng 3/2016. Ảnh chụp ngày 27/09/2015

Dự án Masteri Thảo Điền

Masteri Thảo Điền - Dự án có diện tích khuôn viên đất hơn 5.5 ha, quy mô 1 tầng hầm, 2 tầng Podium và 8 khối nhà cao 43 tầng tọa lạc tại số 165 Xa lộ Hà Nội, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM. Giá trị hợp đồng trên 3,000 tỷ đồng, thời gian thiết kế và thi công 30 tháng, dự kiến bàn giao cho chủ đầu tư vào tháng 8/2016.

Bức tranh màu hồng?

Bức tranh kinh doanh của CTD qua các năm tương đối thuận lợi khi doanh thu tăng trưởng bình quân 20%/năm, biên lợi nhuận gộp luôn duy trì trên 7% (mức trung bình của ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp thường trong khoảng 5-10%) và biên lãi ròng vào khoảng 5%. EPS cũng đạt mức trung bình trên 6,000 đồng, cùng với đó là cổ tức từ 20-50% bằng tiền mặt.

Doanh thu và lợi nhuận của CTD giai đoạn 2011-6T/2015

Qua đó, CTD luôn được sự săn đón không chỉ riêng nhà đầu tư trong nước mà còn đối với nước ngoài, khi mà room nước ngoài sở hữu đã được phủ kín mức tối đa 49%.

Việc tăng vốn khá nhỏ giọt tuy nhiên khối lượng tài sản của Công ty không ngừng tăng qua các năm, tính đến thời điểm gần nhất (30/06/2015) lượng tài sản của CTD đã đạt hơn 5,700 tỷ đồng. Cùng với đó là giá trị những hợp đồng thầu gia tăng mạnh trong 2 năm gần đây, trung bình trên dưới 10,000 tỷ đồng mỗi năm.

Giá trị các gói thầu của CTD giai đoạn 2008-2015

Chỉ tính số liệu dựa trên những gói thầu công bố giá trị hợp đồng trên website của CTD

Việc hấp thu một lượng lớn các gói thầu những năm gần đây khiến cho CTD đối mặt với rủi ro tồn đọng các khoản phải thu và là trích lập dự phòng nợ phải thu ngắn hạn khó đòi tăng lên mỗi năm.

Tài sản của CTD giai đoạn 2011-6T/2015

Báo cáo 6 tháng 2015 chỉ ra hàng loạt chi phí xây dựng dở dang ở hơn 20 dự án, gấp đôi so với đầu năm. Tồn kho theo đó tăng vọt lên hơn 720 tỷ đồng, đầu năm chỉ khoảng 270 tỷ đồng. Có thể bởi CTD đang triển khai xây dựng nhiều dự án trong năm 2015.

Tuy nhiên trong danh sách những gói thầu đang được thi công, có không ít dự án từ nhiều năm trước như Everich 2 từ năm 2010 dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2012; hay Thăng Long Number One – Viglacera từ năm 2011 dự kiến hoàn thành năm 2014; The Waterfront Saigon từ năm 2012, Watermark từ năm 2012...

Cùng với đó là khoản phải thu ngắn hạn trên dưới 2,000 tỷ đồng trong suốt 3 năm trở lại đây. Điều này khiến cho mỗi năm Công ty phải trích lập dự phòng gần 200 tỷ đồng, tương ứng 9% nợ phải trả. Thuyết minh cho thấy Công ty TNHH Regina Miracle Internationnal Việt Nam có nợ phải trả CTD hơn 304 tỷ, CTCP Phát triển Khu phức hợp Thương mại Vietsin là 31 tỷ và các khách hàng khác chiếm đa số với gần 1,500 tỷ đồng.

Các khoản phải thu lớn sẽ ảnh hưởng nhất định tới nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp xây dựng, có thể dẫn đến tình trạng nợ vay tăng cao bù đắp cho vốn thiếu hụt. Tuy nhiên với CTD thì gần như không có nợ vay, thay vào đó là các khoản nợ từ phải trả người bán và chi phí phải trả ngắn hạn.

Nguồn vốn và nợ phải trả của CTD giai đoạn 2011-6T/2015

Qua các năm nợ phải trả của CTD ở mức trên 45% nguồn vốn, gần như toàn bộ là nợ ngắn hạn. Trong đó, phải trả người bán và chi phí phải trả cho các công trình chiếm từ 70-80% nợ phải trả.

Coteccons được biết đến với tên tuổi của ông Nguyễn Bá Dương, tốt nghiệp khoa Kiến trúc trường Đại học Xây dựng Kiev (Ucraina). Ông Dương có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng và là người sáng lập điều hành Coteccons từ năm 2002, khi đó là Xí nghiệp Xây dựng Cotec. Đến năm 2005, ông được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc điều hành Coteccons cho đến nay và đang nắm khoảng 5.25% vốn CTD.

Cơ cấu cổ đông CTD tính đến hết năm 2014

Nguồn: BCTC 2014 của CTD

Tiến Vũ