Ông Trương Đình Tuyển: “Việt Nam nên bình tĩnh với TPP”

Ông Trương Đình Tuyển: “Việt Nam nên bình tĩnh với TPP”

Ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Thương mại, cố vấn cao cấp đoàn đàm phán Hiệp định TPP và WTO chia sẻ, Việt Nam nên bình tĩnh với TPP, không nên sống trong cảm xúc quá nhiều. Liên quan đến vấn đề xuất nhập khẩu, nhiều khả năng trong những năm đầu tham gia TPP, Việt Nam sẽ là nước nhập siêu thay vì xuất siêu.

* Hiệp định TPP có thể có hiệu lực từ đầu năm 2018

* Phân tích về 12 nước tham gia Hiệp định TPP

Ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Thương mại, cố vấn cao cấp đoàn đàm phán Hiệp định TPP và WTO.

Ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Thương mại, cố vấn cao cấp đoàn đàm phán Hiệp định TPP và WTO đã có những chia sẻ trong tại Buổi gặp mặt cung cấp thông tin kết thúc đàm phán Hiệp định TPP do Bộ Công Thương tổ chức.

Nhấn mạnh về vấn đề tham gia TPP, ông chia sẻ: “Chúng ta có nhiều cơ hội, nhưng trên thương trường tự nó không biến thành lợi ích, không tự nó biến thành sức mạnh cạnh tranh. Và để có thể vượt qua được thách thức là tùy thuộc vào khả năng của chính chúng ta. Nếu chúng ta không nhấn mạnh điều này thì chúng ta nhanh chóng sẽ bị vỡ mộng”.

Theo ông, dường như Việt Nam đang sống quá nhiều trong cảm xúc. “Giống như TPP, trước đây Việt Nam sống trong trào lưu cảm xúc quá nhiều đối với trường hợp WTO. Đến nỗi khi gia nhập thành công, có đơn vị còn tổ chức một cuộc đi bộ chào mừng sự kiện này, và mời tôi với tư cách là người chủ trì đàm phán đến tham gia" – ông Tuyển lấy ví dụ.

Liên quan đến câu chuyện về kinh tế, hiện nay chúng ta đưa ra nhiều công bố về các số liệu xuất, nhập khẩu, tăng trưởng, GDP… điều này có thể không sai, nhưng nhược điểm cơ bản của kinh tế lượng là không phản ánh được biến động trên thị trường thế giới hiện nay. Các con số này không phản ánh được thái độ, phản ứng của chúng ta trước những biến số đó như thế nào. Các mô hình hiện tại không bào chữa được sự phản ứng của chính sách đối với những biến động trên thị trường.

Nói về câu chuyện xuất siêu hay nhập siêu khi tham gia Hiệp định TPP, ông chia sẻ, cơ hội cho xuất khẩu là có, quan trọng là chúng ta có tận dụng được hay không. Một điểm cần chú ý khác là rất có khả năng, nhập siêu trong năm đầu tham gia Hiệp định TPP sẽ tăng, bởi đầu tư sẽ tăng. Tuy nhiên nhập siêu không hẳn là xấu. Không nhất thiết khi tham dự một hiệp định thương mại mà xuất khẩu lại ngay lập tức tăng nhanh hơn nhập khẩu.

Ông dẫn ví dụ, khi Việt Nam gia nhập WTO, trong năm 2007, số vốn đầu tư của nước ta đã tăng gấp 3 lần so với năm 2006 (63 tỷ USD). Nếu vốn đầu tư đăng ký mạnh lên, các nhà đầu tư sẽ triển khai nhanh các dự án, khi đó nhập siêu sẽ tăng. Đơn cử như vấn đề một doanh nghiệp đầu tư một nhà máy dệt để đón đầu TPP, vốn đầu tư có thể lên tới hàng chục, hàng trăm triệu USD, việc xây dựng đòi hỏi sẽ cần vật liệu, máy móc thiết bị, việc nhập khẩu là điều cần thiết. Thời gian đầu sẽ nhập siêu nhưng khi đi vào sản xuất, xuất khẩu sẽ tăng lên sau đó.

Nông nghiệp sẽ có thời gian chuẩn bị từ 8 – 10 năm

Liên quan đến các vấn đề về khả năng cạnh tranh của một số ngành nghề, lĩnh vực khi tham gia Hiệp định TPP, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã có những chia sẻ cụ thể.

Với một số ý kiến cho rằng nông nghiệp nói chung hay chăn nuôi nói riêng sẽ là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề khi Việt Nam tham dự TPP, Thứ trưởng cho biết, theo kết quả đàm phán, việc mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ được thực hiện theo lộ trình phù hợp để hỗ trợ cho tiến trình tái cơ cấu. Việc mở cửa thị trường sẽ xây dựng theo lộ trình nhất định, Thứ trưởng cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn sẽ có khoảng thời gian từ 8 – 10 năm để chuẩn bị cho quá trình hội nhập, đặc biệt là biến thách thức thành cơ hội.

Khi hàng rào thuế quan giảm, lo ngại về hàng hóa từ các nước trong khu vực từ TPP sẽ tràn vào Việt Nam ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nội là điều có thể thấy được nhưng không hẳn là vấn đề đáng lo ngại. Các thị trường lớn như Mỹ hay Canada có cơ cấu hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Việt Nam mang tính bổ sung nhiều hơn là cạnh tranh. Việc giảm thuế đồng thời giữa các nước cũng giúp hàng hóa Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên sân chơi lớn.

Liên quan đến mặt hàng ô tô, thực tế cũng tương tự như danh mục nguồn cung thiếu hụt trong dệt may, ô tô cũng có một danh mục những phụ tùng được phép nhập từ bên thứ 3 do các nước trong TPP không sản xuất.

Đăng Tùng