Sacombank và SouthernBank ký bàn giao chính thức sáp nhập

Sacombank và SouthernBank ký bàn giao chính thức sáp nhập

Ngày 01/10/2015, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) và Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank - PNB) ký kết biên bản bàn giao chính thức sáp nhập toàn hệ thống SouthernBank vào Sacombank dưới sự chứng kiến của Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

* Sacombank - Ngày đầu tiên sáp nhập

Lễ ký kết bàn giao sáp nhập SouthernBank vào Sacombank

Việc sáp nhập được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận theo Quyết định số 1844/QĐ-NHNN ngày 14/9/2015. Theo đó, Sacombank sẽ tiếp nhận toàn bộ tài sản, nhân sự, mạng lưới, số liệu cũng như quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của SouthernBank và cam kết duy trì quyền, nghĩa vụ của khách hàng, đối tác, cổ đông của cả hai Ngân hàng.

Sau sáp nhập, Sacombank thuộc Top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt 297,184 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt gần 24,506 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 18,853 tỷ đồng; mạng lưới hoạt động lên đến 563 điểm giao dịch trên toàn quốc và 2 nước Lào, Campuchia; tổng số cán bộ nhân viên là 15,510 người.

Ông Nguyễn Phước Thanh – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ tại buổi lễ: “Việc tự nguyện sáp nhập SouthernBank vào Sacombank là phù hợp với chủ trương tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Chính phủ và NHNN nhằm tạo nên một ngân hàng lớn, lành mạnh phục vụ tốt cho nền kinh tế và đủ sức vươn ra thị trường quốc tế. Sau sáp nhập, Sacombank trở thành ngân hàng lớn nhất trong khối ngân hàng TMCP và chỉ sau 4 ngân hàng có yếu tố quốc doanh. Sự cộng hưởng này không phải là cộng cơ học mà là sự hợp lực của 2 ngân hàng để mang lại lợi ích lớn hơn cho khách hàng, cổ đông, phù hợp với xu hướng hội nhập. Ngoài ra, tôi cũng đánh giá tốt đối với công tác chuẩn bị sáp nhập của hai ngân hàng”.

Lãnh đạo các ban ngành cùng Ban điều hành Sacombank và SouthernBank tại lễ ký kết bàn giao sáp nhập SouthernBank vào Sacombank

Đại diện từ Sacombank, ông Kiều Hữu Dũng - Chủ tịch HĐQT cho biết: “Có thể thấy, lợi ích thiết thực đầu tiên của việc hợp nhất các ngân hàng là quy mô ngân hàng sau sáp nhập sẽ tăng lên, từ đó ngân hàng có khả năng gia tăng thu nhập và giảm thiểu chi phí điều hành. Quy mô lớn hơn đồng nghĩa với việc tăng thị phần thông qua hệ thống mạng lưới được mở rộng, khả năng nhận diện thương hiệu sẽ tốt hơn, từ đó gia tăng được hiệu quả hoạt động. Lợi thế tiếp theo là gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường của ngân hàng sau sáp nhập nhờ thừa hưởng công nghệ, nguồn nhân lực và các thế mạnh khác của cả hai ngân hàng. Bên cạnh đó, sau sáp nhập, số lượng thành viên của ngành giảm sẽ tạo ra khoảng trống thị trường cho các ngân hàng “trụ vững”, tồn tại và phát triển tốt hơn”.

Anh Đức