Tò mò với cục tiền hơn 1,300 tỷ TSC huy động được gần 2 năm qua

Tò mò với cục tiền hơn 1,300 tỷ TSC huy động được gần 2 năm qua

Từ mức vốn 83 tỷ đồng, sau khi về với Đầu tư F.I.T (HOSE: FIT) được hơn 2 năm, vốn CTCP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (HOSE: TSC) đã nhảy vọt lên mức 1,476 tỷ đồng, tăng trưởng gấp gần 18 lần. Đây là một mức tăng trưởng hết sức ấn tượng, đồng thời cũng đặt ra câu hỏi rằng TSC đã và sẽ làm gì với số tiền khổng lồ đó để đem lại mức sinh lời tương xứng cho cổ đông?

Từ sau khi bị FIT thâu tóm vào đầu năm 2014. Chưa đầy 2 năm, TSC đã trải qua 3 đợt tăng vốn, đợt 1 chào bán 7.5 triệu cp cho FIT với giá 10,000 đồng/cp để tăng vốn lên 158 tỷ đồng; đợt 2, phát hành 58 triệu cp để trả cổ tức, thưởng cp, ESOP, chào bán cho cổ đông hiện hữu và bán cho cổ đông chiến lược qua đó tăng vốn lên 738 tỷ đồng; và gần đây nhất là phát hành 73.8 triệu cp cho cổ đông hiện hữu tăng vốn lên 1,476 tỷ đồng.

Hành trình tăng vốn trong gần 2 năm qua của TSC
(Đvt: Tỷ đồng)

Vỏn vẹn chưa đầy hai năm, quy mô vốn tăng gấp 18 lần, quả là một tốc độ tăng vốn đáng nể. Trừ đi phần tăng vốn khoảng 120 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu do trả cổ tức và thưởng cho cổ đông thì TSC đã thu về một khoản tiền lên đến hơn 1,300 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ cho các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo BCTC soát xét 6 tháng đầu năm của TSC, FIT là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 58.82% trên số vốn 738 tỷ đồng. Trong đợt tăng vốn lên 1,476 tỷ đồng, tỷ lệ thành công của đợt phát hành cao khi chỉ còn dư 2 triệu cp cổ đông hiện hữu không mua hết, đồng thời không có thông tin thay đổi tỷ lệ sở hữu của FIT nên có thể nhận định, FIT vẫn đồng hành với TSC trong các đợt tăng vốn trên. Để có tiền đồng hành cùng TSC, FIT cũng đã thực hiện kế hoạch huy động gần 900 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu vào tháng 5/2015.

Cục tiền 1,300 tỷ chi dùng ra sao?

Đợt tăng vốn đầu tiên, TSC đã huy động thêm 75 tỷ đồng từ FIT với mục đích cơ cấu lại nguồn vốn, đầu tư vốn vào công ty con và bổ sung vốn lưu động. Tuy nhiên tăng trưởng cùng với vốn điều lệ, tài sản của TSC lại phình to chủ yếu ở khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Cụ thể, khoản mục này đã nhảy vọt từ 8 tỷ đồng đầu năm 2014 lên 67 tỷ đồng vào cuối năm và chủ yếu đầu tư vào FIT, ĐT-TM Hoa Sen Việt Nam và Phân bón Dầu khí Cà Mau. Bên cạnh đó, khoản lợi nhuận đột biến 62 tỷ đồng cả năm 2014 từ thanh lý tài sản và kinh doanh bất động sản đã giúp TSC xóa sạch lỗ lũy kế tính đến năm 2013 (việc không lỗ lũy kế cũng là điều kiện bắt buộc để TSC được phép huy động vốn từ thị trường chứng khoán). Trong khi doanh thu thuần hoạt động kinh doanh chính 2014 suy giảm nghiêm trọng từ 707 tỷ xuống 475 tỷ đồng.

Đến 30/06/2015, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của TSC tiếp tục nhảy vọt lên 606 tỷ đồng từ mức 67 tỷ đồng, trong đó 238 tỷ để kinh doanh chứng khoán và 368.5 tỷ để đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Số tiền này cũng khá tương đương với số huy động được trong đợt tăng vốn lần thứ hai từ 158 tỷ lên 738 tỷ đồng.

Còn trong đợt tăng vốn gần đây nhất, số tiền thu 738 tỷ được HĐQT cho biết dùng để M&A tăng đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh liên kết.

Mục đích sử dụng 738.2 tỷ đồng trong đợt huy động vốn gần nhất

Theo đó, TSC đã bắt đầu triển khai với việc chi 140 tỷ đồng để mua cp nâng sở hữu tại Hạt giống TSC lên 93.42% vốn. Thời gian góp vốn đã thực hiện xong trong tháng 9/2015. Đây là công ty mới được thành lập vào cuối năm 2014 và đi vào hoạt động đầu năm 2015 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Công ty chủ yếu là kinh doanh, xuất nhập khẩu các loại giống cây trồng, nhân và chăm sóc cây giống nông nghiệp, xử lý hạt giống để nhân giống.

Nghị quyết HĐQT mới đây cũng cho biết TSC dự định sẽ mua 5.6 triệu cp Sao Nam, tương đương với 35.78% vốn. Nếu đúng theo kế hoạch thì TSC đã thực hiện xong thương vụ này trước ngày 16/09/2015. Không giống như với Hạt giống TSC, trường hợp mua Sao Nam, TSC chỉ công bố khối lượng mua và tỷ lệ nắm giữ mà không công bố giá trị đầu tư là bao nhiêu. Nhưng theo phương án sử dụng vốn huy động được, TSC sẽ dùng đến 402.5 tỷ đồng để đầu tư Sao Nam, nhiều khả năng đây chính là số tiền mà TSC sử dụng để mua 5.6 triệu cp Sao Nam.

Sao Nam là công ty phân phối các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân, tập trung vào 3 dòng sản phẩm chính là nước rửa tay, nước xịt phòng, các dòng sản phẩm chăm sóc răng miệng. Sao Nam được thành lập vào năm 2009 và vốn điều lệ tính đến cuối quý 1/2015 là 156 tỷ đồng. Được biết, tại thời điểm 31/03/2015, FIT có sở hữu 24.34% vốn Sao Nam, ứng với 3.7 triệu cp.

Có thể thấy, đa phần các khoản đầu tư của TSC vào công ty con đều gấp nhiều lần so với vốn điều lệ của các đơn vị này. Trên thương trường, vốn điều lệ không thể hiện hết được giá trị của doanh nghiệp nhưng nó thể hiện được phần nào quy mô và vị thế của doanh nghiệp. Việc này đặt ra câu hỏi về giá trị thực của các doanh nghiệp trên, cũng như khoản đầu tư của TSC có thực sự được tối ưu hóa?

Trong phương án sử dụng vốn của TSC, nhà đầu tư chỉ có thể biết vốn huy động dùng để đầu tư vào những đâu, còn thông tin chi tiết đi kèm về các đối tượng đầu tư lại không hề có. Thiết nghĩ, nên chăng TSC có một giải trình cụ thể về tình hình hoạt động, tài sản của các đơn vị được đầu tư một cách rõ ràng?!

Trong định hướng hoạt động, TSC đặt mục tiêu xây dựng mô hình chuỗi giá trị tổng hợp nông nghiệp, trong đó TSC sẽ cung cấp ra thị trường từ hạt giống, nông dược, nông sản đến thực phẩm. Trong năm 2015, TSC tập trung vào 4 mảng hoạt động sản xuất kinh doanh chính là sản xuất – phân phối thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất – phân phối hạt giống nông nghiệp, chế biến – xuất khẩu rau quả và thu mua – sản xuất và xuất khẩu nông sản (gạo thơm cao cấp, tinh bột sắn). Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 của TSC công bố vẫn lạc quan, doanh thu thuần tăng hơn gấp đôi, lãi ròng nhảy vọt lên 82 tỷ đồng so với con số 2.3 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014. Đơn vị cho biết mảng kinh doanh thương mại, buôn bán hàng hóa và thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực (Trung Quốc) phục hồi là nguyên nhân tạo nên kết quả trên.

Trần Việt