Vì sao Goldman Sachs đang có giá trị thấp nhất Phố Wall?

Vì sao Goldman Sachs đang có giá trị thấp nhất Phố Wall?

Ông hoàng ngày nào của Phố Wall giờ đã thành một... gã hề

Goldman Sachs từng một thời là sự ganh tỵ của tất cả các công ty tài chính khác, với tỉ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) lên đến 20%. Tuy nhiên, thời gian gần đây, họ chỉ đạt được phân nửa con số đó và các nhà đầu tư dường như đang lo ngại rằng họ sẽ không bao giờ trở lại được như thời hoàng kim trước đây.

* Chủ tịch Goldman Sachs: “Không nên đầu tư vào Trung Quốc”

* Công ty Trung Quốc "nhái" cả tập đoàn tỷ đô Goldman Sachs

Ông Lloyd Blankfein, CEO kiêm Chủ tịch Goldman Sachs.

Cổ phiếu Goldman đã giảm gần 10% trong năm nay, xuống mức 175 USD/cp. Kết quả là, nếu căn cứ theo 12 tháng qua, hiện hệ số P/E của cổ phiếu này chỉ ở vào khoảng 8.8 lần, mức thấp nhất trong số các ngân hàng lớn nhất của Mỹ. Trong khi đó, cổ phiếu Morgan Stanley, đối thủ quen thuộc nhất của Goldman, có hệ số P/E trên 14 lần còn cổ phiếu JPMorgan Chase cũng đang giao dịch với mức lợi nhuận gấp gần 10 lần.

Thậm chí cổ phiếu của Citigroup, ngân hàng phải nhờ đến tiền “giải cứu” trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, cũng đang có vẻ “khỏe mạnh” hơn cổ phiếu của Goldman trong thời gian này. Cổ phiếu của Citigroup hiện đang có hệ số P/E 9.3 lần, cao hơn Goldman gần 6%.

Đúng là Goldman vẫn dẫn đầu về một số tiêu chí trong số các ngân hàng đầu tư, như chào bán cổ phiếu và các dịch vụ tư vấn mua bán và sáp nhập (M&A). Thế nhưng hiện ngân hàng này đang gặp một số vấn đề, trong đó có cả chuyện không hề có được một kế hoạch kế nhiệm hoàn hảo - CEO của Goldman là Lloyd Blankfein gần đây đã tiết lộ rằng ông đang bị ung thư, mà theo ông là “có thể chữa được”.

Nhưng vấn đề lớn nhất với Goldman là rủi ro. Ngân hàng này vẫn kiếm một phần lớn lợi nhuận, khoảng 60%, nhờ vào các hoạt động trading hay đầu tư bằng nguồn tiền riêng của mình. Ở Morgan Stanley tỉ lệ này khoảng 50%, còn ở JPMorgan thì chỉ 25%. Tuy nhiên, khoản lợi nhuận từ hoạt động trading lại dễ bị ảnh hưởng bởi tình hình lên xuống của thị trường hơn so với việc quản lý tài sản hay thu phí từ những dịch vụ M&A. Và với tình hình không mấy sáng sủa của các thị trường hàng hóa và cổ phiếu trong thời gian gần đây, các nhà đầu tư của Goldman đang lo ngại rằng ngân hàng này cũng có thể bị ảnh hưởng. Ngoài ra, Goldman có thể vẫn phải rút khỏi một số hoạt động trading. Các quy định mới đã ngăn không cho các ngân hàng có được sự an toàn nhất khi mạo hiểm với đồng tiền của mình. Goldman cho biết họ sẽ tuân thủ đầy đủ những quy định mới này trước khi chúng bắt đầu có hiệu lực vào năm 2017.

Goldman cho biết ngay cả vào thời điểm hiện tại, họ cũng thu được rất ít lợi nhuận từ hoạt động trading bắt nguồn từ các quyết định đầu tư mạo hiểm bằng tiền riêng của mình. Thay vào đó, họ chỉ hoàn toàn tập trung vào việc thực hiện các giao dịch cho khách hàng và hưởng hoa hồng. Tuy nhiên, mua và bán cổ phiếu cho khách hàng cũng đòi hỏi một chút mạo hiểm. Do vậy, Goldman cần phải ít nhất tạm thời tránh xa hoạt động này. Nếu khách hàng của Goldman đúng và ngân hàng này không thể bảo vệ hay từ bỏ vị trí của mình đủ nhanh thì họ sẽ phải “bấm bụng” chịu thua lỗ.

Và dù ngân hàng này đã giảm số lượng trader trong biên chế của mình (nguyên cả tầng ở trụ sở chính Manhattan của họ được cho là đã... “sạch bóng” trader) thì các nhà quản lý của Goldman nói rằng họ vẫn có tham vọng trở thành đơn vị trading hàng đầu ở Phố Wall. Nếu đúng như vậy thì rủi ro mà Goldman có thể gánh chịu sẽ vẫn cao hơn các đối thủ của mình. Trong quý gần đây nhất, Goldman cho biết hạn mức giá trị chịu rủi ro (VaR) của ngân hàng này là 77 triệu USD. Đó chỉ là một con số nhỏ so với thời điểm trước cuộc khủng hoảng tài chính nhưng hiện vẫn cao hơn nhiều so với các đối thủ khác. Trong quý 2 vừa qua, VaR của Morgan Stanley trung bình ở mức 54 triệu USD, còn VaR tại JPMorgan chỉ là 42 triệu USD. Đó là lý do vì sao kết quả lợi nhuận trong quý 3 của Goldman, dự định sẽ được công bố vào đầu tháng tới, có thể rất quan trọng. Một số nhà phân tích gần đây đã đánh giá cao cổ phiếu của Goldman, vì cho rằng ngân hàng này đã tránh xa kiểu đầu tư dùng nhiều vốn nhất, khi lợi nhuận thu được thấp hơn nhưng rủi ro lại cao hơn. Những bước đi đó đã giúp ích rất nhiều cho Goldman. ROE của ngân hàng này đã đạt từ 13% đến 19%.

Nhưng quý 3 vừa qua là một giai đoạn nhiều biến động đối với các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới, cũng như ở Mỹ, khi mà có lúc Dow Jones đã rớt cả 1,000 điểm ngay sau giờ mở cửa. Nếu Goldman có thể chứng tỏ rằng họ có khả năng “miễn nhiễm” với những biến động đó thì các nhà đầu tư có thể sẵn sàng mua vào cổ phiếu của họ. Tuy nhiên, có báo cáo cho rằng Goldman đã mất đến 60 triệu USD trên thị trường nợ xấu. Nếu đó là lý do duy nhất trong số những khoản thua lỗ của ngân hàng này trong quý 3 thì các nhà đầu tư có thể tin rằng mua cổ phiếu của ngân hàng này trong tương lai thậm chí là một “canh bạc” còn tệ hại hơn cả những gì họ đang làm ở thời điểm hiện tại.

Nhã Thanh (Theo Fortune)