CTCK nào trong vùng “nguy hiểm”?

CTCK nào trong vùng “nguy hiểm”?

Lỗ lũy kế vượt ngưỡng 50% vốn điều lệ hay thậm chí còn bỏ xa, 10 CTCK đang nằm trong vòng nguy cơ bị đình chỉ một phần hay toàn bộ hoạt động kinh doanh nếu chiếu theo những quy định mới trong dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 210/2012/TT-BTC. Những công ty này đã và đang chuẩn bị gì để đối phó với nguy cơ tiềm ẩn này?

Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã tổ chức lấy ý kiến lần 2 đối với dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 210/2012/TT-BTC. Trong đó, có quy định CTCK đang bị hoặc chưa khắc phục được tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt và có lỗ lũy kế từ 50% vốn điều lệ trở lên, hoặc có vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn pháp định theo các nghiệp vụ sẽ bị đình chỉ một số hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh.

Theo thống kê của Vietstock, trong số hơn 100 CTCK đang hoạt động tại thị trường Việt Nam thì có 10 CTCK lỗ lũy kế đang vượt 50% vốn điều lệ, trong đó có những trường hợp thậm chí còn vượt 100% hay 200% vốn. Và đây là những đối tượng đang chịu áp lực đình chỉ hoạt động theo quy định của bản dự thảo Thông tư trên.

Được nhắc đến khá nhiều trong nhóm lỗ lũy kế vượt 50% vốn điều lệ là trường hợp của CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS). Từng là ông lớn trên sàn niêm yết với vốn điều lệ ngàn tỷ, nằm trong top 10 CTCK có thị phần lớn nhất và lợi nhuận thu về trên trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng việc lao dốc trong giai đoạn 2011-2012 với số lỗ lên đến gần 1,800 tỷ đồng (năm 2011 lỗ 1,655 tỷ đồng và 2012 lỗ 135 tỷ đồng) đã làm SBS đánh mất vị thế, phải rời sàn niêm yết. Mặc dù giai đoạn sau đó (2013-2014) công ty có cải thiện nhưng với mức lỗ quá lớn trong giai đoạn trước thì việc cứu vãn là rất khó. Tính đến thời điểm 30/06/2015, SBS lỗ lũy kế gần 1,307 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ là 1,267 tỷ đồng.

Trường hợp xấu nhất trong nhóm và cũng đã bị đình chỉnh hoạt động trong 6 tháng là CTCK MHB (MHBS). Theo đó ngày 10/06/2015, UBCK đã có quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán và lưu ký chứng khoán của MHBS từ ngày 24/6 - 24/12/2015 do MHBS không đáp ứng các điều kiện quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính. Theo báo cáo tỷ lệ an toàn vốn khả dụng của MHBS 6 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ an toàn vốn khả dụng ở mức âm 396% và lỗ lũy kế lên đến 345 tỷ đồng, gấp đôi vốn điều lệ hiện có (170 tỷ đồng).

Những CTCK còn lại có lỗ lũy kế vượt 50% vốn điều lệ là Á Âu (AAS), Vina (VNSC), Phương Đông (ORS), Tầm Nhìn (HRS), Nam An (NASC), HVS (HVS), Hải Phòng (HPC) và Châu Á (ASCS).

Một số trường hợp cũng ngấp nghé mức 50% vốn điều lệ như Hưng Thịnh (HTSC), Phú Hưng (PHS) hay Ngân hàng Đông Á (DASE) khi lỗ lũy kế chiếm trên 45% vốn điều lệ.

Các CTCK có lỗ lũy kế/vốn điều lệ cao tính đến cuối quý 2/2015

Gian nan tìm giải pháp

Có lẽ hơn ai hết, các CTCK là người hiểu rõ mối hiểm họa đang rình rập này và tích cực tìm phương án khắc phục để có thể được tồn tại, từ tái cấu trúc bộ máy, cắt giảm chi tiêu, tiến hành M&A để xóa lỗ hay tìm phương án tăng vốn. Tuy nhiên, để đáp ứng được các quy định là một bài toán không dễ tìm lời giải.

Để tồn tại, bên cạnh tự tái cơ cấu, SBS đề ra kế hoạch sáp nhập với một công ty chứng khoán khác để xóa lỗ lũy kế. Tuy nhiên, kế hoạch của SBS khá gian nan, tính đến nay đã hơn 2.5 năm (từ đầu tháng 4/2013) nhưng SBS dường như chưa có được đối tượng phù hợp cho mình. Đầu tháng 9/2015 vừa qua, SBS đưa ra thông báo tạm ngưng lấy ý kiến về việc hợp nhất do cần thêm thời gian đàm phán và lựa chọn đối tác.

Giải pháp hợp nhất, sáp nhập cũng được AAS và HPC lựa chọn. Hai đơn vị này đã lên phương án sáp nhập với nhau nhằm cải thiện tình hình tài chính. Theo như chia sẻ bên lề tại ĐHĐCĐ bất thường HPC, ông Vũ Dương Hiền – Chủ tịch HĐQT HPC cho biết, với số lỗ lũy kế hơn 200 tỷ của HPC phát sinh trong giai đoạn 2008 – 2011 và hoạt động kinh doanh như hiện tại thì phải tới 10 năm nữa HPC mới có thể xóa sạch khoản lỗ này. Đồng thời, việc treo hơn 200 tỷ lỗ lũy kế trên BCTC khiến hoạt động của HPC gặp nhiều vướng mắc, từ vấn đề chia cổ tức cho đến tăng vốn. Như vậy, việc hợp nhất với AAS sẽ giúp HPC khả quan hơn.

Còn ở ORS, theo như trao đổi tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, đại diện đơn vị này cho biết là sẽ tự tái cơ cấu bộ máy, tuy nhiên cũng đề cập thêm khả năng sẽ tìm một công ty chứng khoán khác để hợp nhất-sáp nhập khi cần thiết. Hay như trường hợp của NASC, để cải thiện tình hình hoạt động kinh doanh, đơn vị này đã chấp nhận bán vốn cho đối tác ngoại qua đó chuyển đổi mô hình thành công ty TNHH MTV từ tháng 7/2015. Đối tác mua lại toàn bộ chứng khoán Nam An là Shinhan Investment.

Một số trường hợp HRS, HVS hay HTSC đưa ra kế hoạch tăng vốn trong năm 2015 để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, các đơn vị này vẫn chưa tăng vốn thành công, trong khi đó kết quả kinh doanh tiếp tục thiếu khả quan. Theo công bố mới nhất của HVS và HRS, hai đơn vị này tiếp tục lỗ trong quý 3/2015 với mức lỗ lần lượt 1.2 tỷ đồng và 1.5 tỷ đồng; tỷ lệ lỗ lũy kế/vốn điều lệ cũng gia tăng lên mức 54% và 82%.

Tệ hơn, ở trường hợp của VNSC, đơn vị này đã nộp hồ sơ xin chấm dứt tư cách thành viên tự nguyện và đã được Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận. Theo đó VNSC sẽ ngừng giao dịch trên thị trường niêm yết và thị trường đăng ký giao dịch từ 13/11/2015 để thực hiện các thủ tục chấm dứt tư cách thành viên.

Với trường hợp của MHBS, sau khi bị đình chỉnh hoạt động, đơn vị này chưa có bất kỳ thông báo nào về giải pháp khắc phục hay phương án lành mạnh hóa tỷ lệ an toàn tài chính.

Tài liệu đính kèm:

Thông tư 210: BTC_210-TT-BTC_30112012.pdf

Dự thảo sửa đổi thông tư 210: Du-thao-sua-doi-TT210.pdf

Thông tư 226:

(1) 226.2010.TT.BTC.zip

(2) 226.2010.TT.BTC.zip

Triệu Linh