ĐHĐCĐ bất thường TTF: Sáp nhập công ty con sẽ tiết kiệm chi phí 20 tỷ/năm

ĐHĐCĐ bất thường TTF: Sáp nhập công ty con sẽ tiết kiệm chi phí 20 tỷ/năm

Tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2015, cổ đông CTCP Tập đoạn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) đã thông qua việc sáp nhập công ty con là CTCP Chế biến gỗ Trường Thành vào Công ty mẹ TTF và việc vay chuyển đổi từ đối tác chiến lược trên 600 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ bất thường năm 2015 CTCP Tập đoạn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành diễn ra chiều ngày 16/11/2015

Phát hành 4.5 triệu cp để sáp nhập công ty con

Trình bày tại Đại hội, ông Võ Diệp Văn Tuấn, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc cho biết phương án sáp nhập TTF (công ty mẹ) và CTCP Chế biến gỗ Trường Thành (công ty con) đã được thông qua theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/08/2012 của công ty mẹ và Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên công ty con ngày 30/07/2012. Tuy nhiên trong giai đoạn 2012 cả công ty mẹ và công ty con đều trong quá trình tái cấu trúc tài chính nên phải ưu tiên các phương án phát hành tăng vốn lưu động để thực hiện công tác tái cơ cấu và tạm hoãn việc thực hiện nghị quyết sáp nhập hai công ty, vì nếu thực hiện sẽ ảnh hưởng đến tiến trình tái cấu trúc.

Đến thời điểm hiện nay, HĐQT nhận thấy đây là thời điểm thích hợp cho việc sáp nhập, cụ thể, thời gian thực hiện sẽ là tháng 12/2015. Mục đích của việc sáp nhập là tinh gọn bộ máy nhân sự, kế toán và điều hành, giảm các thủ tục hành chính cũng như tiết giảm chi phí sản xuất, vận chuyển. Theo ông Tuấn, việc sáp nhập sẽ giúp TTF giảm chi phí quản lý và vận chuyển 20 tỷ đồng/năm, tăng lợi nhuận cho công ty mẹ.

CTCP Chế biến gỗ Trường Thành có 12.6 triệu cp đang lưu hành, trong đó công ty mẹ sở hữu 8.1 triệu cp, cổ đông còn lại nắm 4.5 triệu và cổ phiếu quỹ là 10,000 cp. Do vậy, TTF sẽ phát hành hơn 4.5 triệu cổ phiếu để hoàn đổi cổ phần Chế biến gỗ Trường Thành từ các cổ đông khác với tỷ lệ 1:1. Vốn TTF sau sáp nhập sẽ tăng lên tối đa là 45.1 tỷ đồng.

Về nguy cơ pha loãng giá mà cổ đông nghi ngại, ông Tuấn cho rằng không đáng lo ngại bởi hiện TTF đang có hơn 140 triệu cp đang lưu hành, số lượng cổ phần phát hành thêm là khá nhỏ chỉ chiếm có 3.2%. Mặt khác, bên cạnh những lợi ích như tiết giảm chi phí sản xuất và vận chuyển thì hiện lợi nhuận sau thuế của TTF đang phải chia cho cổ đông không kiểm soát một phần đáng kể, nhóm cổ đông không kiểm soát đa phần là của công ty con này, việc sáp nhập sẽ giúp khoản lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ phình ra nhờ không phải chia khoản này.

Vay chuyển đổi hơn 600 tỷ đồng

Bên cạnh vấn đề sáp nhập, Đại hội cũng thông qua việc TTF tiếp nhận khoản vay chuyển đổi trị giá 603.5 tỷ đồng. Việc này sẽ giúp công ty tất toán nhiều khoản nợ xấu tại HDBank, OCB, PVCombank và các khoản nợ thuế và BHXH. Giúp tình hình tài chính của công ty cân bằng hơn và có thêm vốn lưu động để phát triển doanh thu, giảm phụ thuộc vào vốn vay.

Khoản vay 603.5 tỷ đồng là khoản vay trung hạn có thể chuyển đổi thành cổ phiếu TTF, thời hạn vay 12 tháng và có thể gia hạn, lãi suất cố định 10% trong thời hạn vay, thanh toán 6 tháng/lần. Giá chuyển đổi là 14,200 đồng/cổ phiếu và sẽ được điều chỉnh trong trường hợp công ty chia cổ tức cho cổ đông trước thời hạn chuyển đổi.

Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT chia sẻ đối tác chiến lược cho vay là đối tượng đã được HĐQT cân nhắc kỹ càng về lợi ích hợp tác lâu dài. HĐQT sẽ sớm công bố danh tính khi thủ tục vay hoàn tất.

Liên quan đến kết quả kinh doanh quý 4/2015, mặc dù chưa có con số chính thức nhưng với cảm nhận của bản thân và các hợp đồng ký kết gần đây, ông Thành tự tin là khả quan. Được biết trong 9 tháng đầu năm, TTF ghi nhận 1,758 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 130% và lãi ròng 218 tỷ đồng, tăng trưởng 347%. So với kế hoạch năm, Công ty đã thực hiện 96% kế hoạch doanh thu và vượt 42% kế hoạch lãi sau thuế.

Ngọc Điểm