Nhiều ngân hàng mất hơn phân nửa lãi thuần cho dự phòng

Nhiều ngân hàng mất hơn phân nửa lãi thuần cho dự phòng

Trong 9 tháng đầu năm 2015, nhiều ngân hàng đã mất hơn phân nửa lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong khi cùng kỳ năm trước tỷ lệ này đa phần ở dưới mức 50%.

“Ông lớn” tích cực thu hồi nợ

Trong 9 tháng đầu năm 2015, hoạt động kinh doanh chính (thu nhập lãi thuần) của nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng đều so với cùng kỳ năm trước.

Tăng mạnh nhất về khoản này là Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đạt gần 7,300 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ năm trước. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt – LienVietPostBank (LPB) cũng tăng trưởng tương đối mạnh với tỷ lệ 30% lên hơn 2,060 tỷ đồng.

Các “ông lớn” Ngân hàng Công thương VN – VietinBank (CTG), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN – BIDV (BID) và Ngân hàng Ngoại thương VN – Vietcombank (VCB) không chỉ duy trì vị thế đứng đầu về thu nhập lãi thuần mà còn có tốc độ tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, VietinBank tăng thu nhập lãi thuần 10% lên 14,530 tỷ đồng.

Bảng thu nhập lãi thuần trong 9 tháng đầu năm 2015
ĐVT: tỷ đồng

Một điểm đáng chú ý là tại một số ngân hàng, đặc biệt là tại các “ông lớn”, lãi từ hoạt động khác tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Như tại VietinBank, lãi thuần khác cao gấp 4.5 cùng kỳ với gần 1,220 tỷ đồng, tương đương 7% tổng lãi mang về từ tất cả các hoạt động kinh doanh. Lãi thuần khác của BIDV chiếm khoảng 10% tổng lãi hoạt động kinh doanh với 1,645 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ hoạt động khác của Vietcombank tăng nhẹ lên hơn 1,000 tỷ đồng. Tại một số nhà băng tầm trung khác là VPBank cũng tăng vọt lãi hoạt động khác từ 44 tỷ lên gần 540 tỷ đồng hay Techcombank hơn 790 tỷ trong khi cùng kỳ năm trước báo lỗ 187 tỷ đồng.

Mặc dù không có thuyết minh chi tiết về khoản thu nhập khác nhưng được biết dòng tiền trong kỳ của các ngân hàng này thu về một lượng gần tương đương từ các khoản cho vay đã xóa nợ. Trong đó, BIDV thu về hơn 1,800 tỷ, còn VietinBank và Vietcombank thu về hơn 1,000 tỷ đồng từ các khoản đã xóa nợ. Tại VPBank, dòng tiền trong kỳ của ngân hàng này thu về 385 tỷ thu nhập khác và gần 140 tỷ đồng thu từ các khoản nợ đã xóa và bù đắp bằng nguồn rủi ro và các khoản này lần lượt là 380 tỷ cùng 410 tỷ đồng ở Techcombank.

Tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng

Phần lớn các ngân hàng đều tăng cường trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng so với 9 tháng đầu năm 2014. Đặc biệt tại nhiều ngân hàng như Techcombank, Vietcombank, VPBank, LienVietPostBank, VIB, ABBank đã “hy sinh” hơn phân nửa lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong khi cùng kỳ năm trước tỷ lệ này đều dưới mức 50% (trừ Techcombank, VIB). Thậm chí tại Techcombank tỷ lệ chi phí dự phòng rủi ro còn chiếm đến 64% lợi nhuận thuần. Tỷ lệ này cũng tương đối cao – hơn 40% tại nhiều nhà băng khác như VietinBank, BIDV, ACB, Eximbank.

Trong đó, LienVietPostBank mạnh tay tăng chi phí dự phòng từ 26 tỷ lên 404 tỷ đồng. Mặc dù lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của LienVietPostBank cao gấp đôi cùng kỳ năm trước nhưng tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế chỉ còn 4% với 345 tỷ đồng.

Bảng thu nhập lãi thuần, chi phí dự phòng rủi ro và lãi trước thuế
ĐVT: tỷ đồng

Tương tự như trường hợp của LienVietPostBank, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của VPBank cũng cao gấp 2.5 lần cùng kỳ nhưng tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế còn khoảng hơn 70% với 2,330 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao gấp 4.5 lần cùng kỳ với hơn 2,450 tỷ đồng. Còn tại Techcombank, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 78% so với cùng kỳ năm trước lên mức gần 2,790 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của các “ông lớn” cũng ở mức khủng, trong đó Vietcombank hơn 4,700 tỷ, BIDV và VietinBank ở trên dưới 3,900 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng chi phí dự phòng ở VietinBank lên đến 53% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung dù tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro nhưng lợi nhuận của nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ. Chỉ riêng một số trường hợp như Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN – Eximbank (EIB) và Ngân hàng Kiên Long (KienLongBank) giảm lãi trước thuế gần 30% xuống còn 678 tỷ và 186 tỷ đồng. Ngân hàng Sài Gòn Công thương – Saigonbank (SGB) cũng giảm lợi nhuận trước thuế 15% xuống mức 173 tỷ đồng.