Nợ xấu có thể khiến định giá ngân hàng ASEAN tiếp tục đi xuống

Nợ xấu có thể khiến định giá ngân hàng ASEAN tiếp tục đi xuống

Theo Reuters, cổ phiếu của các ngân hàng Đông Nam Á (ASEAN) đang có định giá thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng giới phân tích dự báo nhà đầu tư sẽ chưa vội mua trở lại do lo sợ nợ xấu sẽ tiếp tục gia tăng.

 

Hầu hết các nhà đầu tư đều kỳ vọng nợ xấu sẽ tiếp tục gia tăng cho đến hết nửa đầu năm tới trong bối cảnh các nền kinh tế khu vực vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn do nhu cầu xuất khẩu yếu kém, giá hàng hóa ngày càng đi xuống và đà giảm tốc của Trung Quốc.

Điều đó đang gây sức ép lên tỷ suất sinh lời và định giá, hiện đang đứng tại mức thấp nhất trong 6 năm tại các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

“Chúng tôi vẫn chưa chứng kiến giai đoạn tồi tệ nhất của lợi nhuận ngân hàng ASEAN”, nhận định của ông Kum Soek Ching – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường Đông Nam Á tại Credit Suisse Private Banking and Wealth Management ở Singapore.

“Nợ xấu là sự phản ánh các khó khăn đối với đà tăng trưởng và dòng tiền mà các doanh nghiệp đang đối mặt”.

Cổ phiếu của các ngân hàng tại Thái Lan, Malaysia và Singapore đều ghi nhận đà tăng yếu hơn so với chỉ số chứng khoán chính của các nước này, ngoại trừ các nhà cho vay Indonesia nhờ một loạt biện pháp cải cách tài khóa được công bố trong tháng 9.

5/10 cổ phiếu có mức sụt giảm mạnh nhất trong danh mục quỹ đầu tư ASEAN của Invesco trong tháng 10 vừa qua thuộc về lĩnh vực ngân hàng, trong đó có Malayan Bank, Bank Rakyat Indonesia và Oversea-China Banking Corp. của Singapore.

Tại ngày 31/10/2015, top 10 cổ phiếu trong danh mục của quỹ Tài chính châu Á thuộc United Overseas Bank Asset Management chỉ có 2 ngân hàng Đông Nam Á là DBS Holdings và UOB của Singapore.

“Chúng tôi khá thận trọng về các ngân hàng Đông Nam Á do tình trạng giảm tốc chung của nền kinh tế khu vực”, nhận định của bà Jolene Seetoh, Giám đốc Bộ phận cổ phiếu châu Á (trừ Nhật Bản) của United Overseas Bank Asset Management tại Singapore.

Bà cho biết: “Mặc dù chi phí tín dụng có thể vẫn còn cao do các ngân hàng ASEAN tiếp tục tăng cường trích lập dự phòng và tái cấu trúc các khoản vay của mình, nhưng chi phí tín dụng sẽ chạm đỉnh vào năm tới và dần suy giảm khi tăng trưởng kinh tế ổn định”.

Chi phí tín dụng chạm đỉnh có thể khiến RoE giảm và P/B sụt mạnh tới 26%, và đó là lúc để mua vào, nhận định của nhà phân tích Robert Kong trong báo cáo được Citi công bố hôm 11/11.

Thách thức nợ xấu

Hiện các khoản nợ có vấn đề vẫn còn cách khá xa các mức đáng báo động với tỷ lệ nợ xấu của Malaysia hiện ở mức 1.6%, Indonesia ở mức 2.4% và Thái Lan 2.78%, theo số liệu của AmResearch, PT Bahana và ngân hàng trung ương các nước. Nhà đầu tư kỳ vọng nợ xấu toàn khu vực sẽ chạm đỉnh dưới 4%.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cũng đang chứng kiến ngày càng nhiều các khoản vay trễ hạn cần được cơ cấu và có nguy cơ trở thành nợ xấu.

Trích lập dự phòng tăng vọt của các nhà cho vay Indonesia trong năm nay liên quan đến sự khó khăn của lĩnh vực khai khoáng và đã khiến tổng lợi nhuận của 10 ngân hàng lớn nhất nước này giảm lần đầu tiên trong gần một thập kỷ.

Số liệu của Starmine cho thấy, PT Bank Mandiri - nhà cho vay lớn nhất Indonesia về tài sản - hiện đang giao dịch với BVPS forward 1.6 lần, thấp hơn 28% so mức bình quân 5 năm. Trong khi đó, BVPS forward của PT Bank Negara Indonesia là 1.4 lần, thấp hơn 16% so mức bình quân 5 năm.

2 trong số 3 ngân hàng lớn nhất của Thái Lan, Krung Thai Bank và Siam Commercial Bank, chứng kiến lợi nhuận quý 3 sụt giảm mạnh khi nợ xấu tăng vọt, chủ yếu là do mối liên quan đến một công ty chế tạo thép. Hiện Krung Thai có BVPS forward là 0.9 lần, thấp hơn 28% so mức bình quân 5 năm và Siam có BVPS forward là 1.3 lần, thấp hơn mức bình quân 5 năm 32%.

Cũng theo báo cáo của AmResearch, các khoản vay có vấn đề của các ngân hàng Malaysia đã liên tục gia tăng trong 5 tháng vừa qua. Tỷ lệ phục hồi thua lỗ cho vay trong tháng 9 của các ngân hàng Malaysia là 98.1%, cho thấy không phải tất cả các khoản vay xấu đều được khôi phục, nhà phân tích Rachel Huang cho biết trong báo cáo.

Nhà phân tích Kum của Credit Suisse cho biết hầu hết các ngân hàng Malaysia đều có nguy cơ công bố lợi nhuận thất vọng.

Trong khi đó, bất chấp tỷ lệ nợ xấu ngày càng tăng cao, đặc biệt là tại OCBC và UOB – hai ngân hàng đầu tư vào lĩnh vực tài nguyên Malaysia và Indonesia nhiều hơn đối thủ DBS, các ngân hàng Singapore vẫn nằm trong số những nhà cho vay có tính phòng thủ cao nhất khu vực nhờ bảng cân đối kế toán mạnh hơn, ông Kum cho biết./.