2 ngân hàng lớn bị cảnh báo trong “stress test” Anh

2 ngân hàng lớn bị cảnh báo trong “stress test” Anh

Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) và Standard Chartered là hai ngân hàng yếu kém nhất trong số 7 nhà cho vay lớn nhất tham gia đợt sát hạch (stress test) của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE).

 

Theo BBC, năm thứ 2 liên tiếp, BoE yêu cầu các nhà cho vay lớn nhất của Anh tham gia đợt sát hạch để xác định xem liệu họ có khả năng vượt qua được một cú sốc tài chính khác.

Lần này, BoE giả định giá dầu giảm về mức 38 USD/thùng và kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng trì trệ.

Kết quả của BoE cho thấy không có ngân hàng nào cần phải đệ trình kế hoạch vốn mới.

Trong số 7 ngân hàng tham gia đợt “stress test” năm nay, RBS và Standard Chartered được xác định là có nguồn vốn không đủ mạnh nhưng cả hai ngân hàng này đều đang tiến hành nâng vốn nên không phải đưa ra kế hoạch mới, tương tự như trường hợp của Co-Operative Bank trong năm ngoái.

Tuy nhiên, BoE yêu cầu tất cả các ngân hàng phải trích lập dự phòng để bảo vệ các khoản đầu tư tại Anh theo một biện pháp mới mà các ngân hàng đang từng bước thực hiện, được biết đến với tên gọi “vốn đệm ngược chu kỳ”.

Lượng tiền mặt bổ sung sẽ cho phép các ngân hàng gia tăng khả năng bù đắp các khoản thua lỗ do nợ xấu và các khó khăn trong giai đoạn suy giảm kinh tế.

Điều đó cũng sẽ đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải phân bổ thêm tiền để dự phòng các khoản thua lỗ cho vay tại Anh, nhưng một phần trong số này sẽ đến từ các khoản dự trữ mà các ngân hàng đã có sẵn.

Nhà điều hành sẽ tư vấn cho các ngân hàng thời điểm bổ sung nguồn vốn đệm, trích lập dự phòng trong suốt các giai đoạn bình ổn trong chu kỳ kinh tế.

Khi dự báo sắp có khó khăn, nhà điều hành có thể đưa vốn đệm về mức 0%, giải phóng dự trữ cho các ngân hàng để giảm giá trị các khoản vay của họ và chấp nhận thua lỗ nếu họ cần.

Dù vậy, lượng vốn đệm ngược chu kỳ cần thiết cho toàn hệ thống ngân hàng Anh sẽ phải tương đương 10 tỷ bảng, và các ngân hàng sẽ phải tìm kiếm lợi nhuận hoặc bán trái phiếu hoặc cổ phiếu để bổ sung nguồn vốn đệm này.

Tuy nhiên, việc nắm giữ nhiều vốn hơn dẫn đến việc nhà đầu tư đòi hỏi phần bù rủi ro cao hơn, khiến lợi nhuận của các ngân hàng suy yếu.

Được biết, 7 ngân hàng tham gia đợt “stress test” năm nay gồm có HSBC, RBS, Lloyds, Barclays, Santander UK, Standard Chartered và Nationwide Building Society. Còn nhớ, số ngân hàng tham gia “stress test” năm ngoái là 8 khi bao gồm cả Co-Operative Bank. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó, BoE cho biết sẽ giới hạn đợt sát hạch này đối với các nhà cho vay có tiền gửi ít nhất 50 tỷ bảng Anh.

Theo nhà phân tích Chirantan Barua của Bernstein, đợt “stress test” sang năm sẽ nghiêm ngặt hơn nhiều với yêu cầu vốn cao hơn đáng kể./.