Bảo hiểm nhân thọ: Cửa ngày càng hẹp cho các doanh nghiệp nội

Bảo hiểm nhân thọ: Cửa ngày càng hẹp cho các doanh nghiệp nội

Thị trường bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên hiện lại được xem là sân chơi riêng của khối ngoại. Với quyết định bán mảng hoạt động nhân thọ mới đây của PVI (PVI Sunlife) cho đối tác Canada, số lượng các doanh nghiệp nội có tham gia trong thị trường này đã ít lại càng ít hơn, trong khi ngay cả những doanh nghiệp top đầu, việc giữ vững được vị thế là điều không thể nói trước.

Tiềm năng phát triển vẫn còn

Bắt đầu triển khai từ năm 1996, đến nay bảo hiểm nhân thọ (BHNT) của Việt Nam đã đạt gần 20 năm phát triển. Tính đến hết năm 2014, nước ta có 17 doanh nghiệp hoạt động BHNT, trong đó có 1 tổng công ty, 1 CTCP và 15 công ty hoạt động dưới hình thức Công ty TNHH. Tuy nhiên, đa phần trong danh sách này là các công ty hoạt động dưới hình thức liên doanh giữa doanh nghiệp nội với đối tác nước ngoài và công ty TNHH 100% vốn nước ngoài. Đến giữa năm 2015, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nâng lên con số 18 với sự thành lập của Công ty Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life do Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Tập đoàn Bảo hiểm Ageas (AGEAS, Vương quốc Bỉ) và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Muang Thai (MTL, của Thái Lan).

Danh sách các Công ty BHNT đang hoạt động tính đến hết năm 2014
Nguồn: BCTN Thị trường BH 2014 – Cục Quản lý giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính

Theo đánh giá, thị trường BHNT của nước ta còn rất nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên cho đến nay các doanh nghiệp BHNT mới chỉ chiếm lĩnh được một phần nhỏ thị trường này. Bởi, tính đến tháng 08/2015, theo số liệu từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, số lượng hợp đồng có hiệu lực (theo hợp đồng chính) chỉ đạt 5,357,219 hợp đồng, mặc dù tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên nếu so với cơ cấu dân số hơn 90 triệu thì quả thực vẫn là một con số khiêm tốn. 

Trong khi, chi phí khai thác mới hợp đồng bảo hiểm tăng mạnh so với cùng kỳ. Phí bảo hiểm bình quân hợp đồng khai thác mới trong 8 tháng đầu năm ước đạt 8.53 triệu/hợp đồng, tăng 45.5% so với cùng kỳ năm 2014. Phí bình quân của một hợp đồng hỗn hợp ước đạt 10.14 triệu/hợp đồng, của một hợp đồng liên kết chung ước đạt 12.43 triệu/hợp đồng, hợp đồng tử kỳ ước đạt 0.7 triệu/hợp đồng.

Mặc dù số doanh nghiệp đang kinh doanh BHNT chỉ tương đương khoảng 60% so với bảo hiểm phi nhân thọ nhưng với tốc độ tăng trưởng vượt trội, quy mô thị trường BHNT đã lần đầu tiên vượt thị trường phi nhân thọ vào năm 2014 và tiếp tục gia tăng khoảng cách trong 8 tháng đầu năm 2015.

Quy mô thị trường bảo hiểm những năm gần đây (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: BCTN Thị trường BH 2014

Doanh nghiệp nội đang mất dần vị thế

Mặc dù là một thị trường hấp dẫn, song BHNT Việt Nam hiện lại được xem là sân chơi riêng của khối ngoại với sự áp đảo về cả số lượng và quy mô. Ngay cả những cái tên thuộc top đầu thị phần cũng đang gặp phải áp lực đến từ những doanh nghiệp “ngoại” đứng sau, trong khi những cái tên mới nổi trên thị trường như PVI Sunlife lại rục rịch được bán cho đối tác ngoại.

Các doanh nghiệp BHNT chiếm thị phần trên 5% năm 2014 và 8 tháng đầu năm 2015
Nguồn: Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm - BTC

Theo số liệu từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, xét trong 8 tháng đầu năm 2015, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt hơn 43,333 tỷ đồng, tăng 25.6% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 20,725 tỷ đồng, tăng 16.74% so với cùng kỳ năm 2014 và doanh thu phí BHNT ước đạt hơn 22,608 tỷ đồng, tăng 34.9% so với cùng kỳ năm 2014.

So với năm 2014, trong 8 tháng đầu năm, mảng bảo hiểm nhân thọ của PVI (PVI Sunlife) có sự tăng trưởng đột phá nhất. Năm 2014, PVI Sunlife hoàn toàn không có tên trong danh sách các công ty BHNT chiếm thị phần trên 5%, thì đến 8 tháng đầu năm 2015, PVI Sunlife đạt thị phần 6.24%, trong khi ACE Life mất mốc 5%, giảm xuống 4.74%.

Mặc dù đang đạt đà tăng trưởng mạnh nhưng đầu tháng 11/2015, PVI đã quyết định bán 26% cổ phần của PVI Sunlife cho Sun Life Financial, giảm sở hữu xuống còn 25%. Trong khi đó, đối tác từ Canada – Sun Life Financial (1 trong 2 cổ đông sáng lập PVI Sunlife cùng với PVI) đã nâng sở hữu lên 75%.

Xét trong số những doanh nghiệp nội đang nằm trong top thị phần BHNT chiếm trên 5%, hiện chỉ còn Bảo Việt Nhân thọ, tuy nhiên chính Công ty này cũng đang gặp áp lực không nhỏ bởi cuộc cạnh tranh thị phần. So với năm 2014, thị phần của Bảo Việt Nhân thọ trong 8 tháng đầu năm giảm xuống 20.37%, xếp thứ 2 toàn thị trường. Trong khi Munalife hay AIA, 2 công ty xếp ngay sau Bảo Việt Nhân thọ đều tăng trưởng với thị phần sau 8 tháng 2015 đạt lần lượt 12.74% và 11.97%.

Thậm chí, ngay trong một lĩnh vực hoàn toàn mới như bảo hiểm hưu trí, Bảo Việt Nhân thọ mặc dù đã được Bộ Tài chính chấp thuận triển khai sản phẩm mới vào cuối tháng 10/2015 cùng thời điểm với Prudential, nhưng có thể sẽ gặp sự cạnh tranh gay gắt. Bởi trước đó, lĩnh vực này gần như nằm trong tay của 4 doanh nghiệp là: PVI Sunlife, AIA Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam vàManulife Việt Nam, trong khi, với quyết định mới đây của PVI, PVI Sunlife đã được coi như “người một nhà” với đối tác từ Canada./.