Chuyện phát và rút KSK-KHB-KHL: Hé lộ nơi dòng tiền “cập bến”

Chuyện phát và rút KSK-KHB-KHL: Hé lộ nơi dòng tiền “cập bến”

Khoản tiền thu được từ phát hành cổ phần của KHB, KHLKSK để đầu tư trong năm 2014 thì sau đó một năm lại được luân chuyển sang những đơn vị khác với lý do sử dụng vốn chưa hiệu quả. Vậy nhưng thực chất số tiền đó lại đang được chuyển đến những doanh nghiệp có liên quan đến một cá nhân.

* KSK-KHB-KHL: Câu chuyện “phát - rút” và sự xuất hiện đại gia bí ẩn

Sau khi tổ chức ĐHĐCĐ bất thường trong tháng 11 vừa qua, cả ba doanh nghiệp KHB, KHL và KSK đã chính thức thông qua việc rút vốn tại bốn đơn vị sau một năm đầu tư và nguồn tiền này sẽ được gom vào cho hai cái tên khác vừa cũ vừa mới là CTCP Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Gia Lai (KSG) và CTCP Đầu tư Thương mại Đông Bắc.

Theo đó, Khoáng sản Hòa Bình (KHB) sẽ thu hồi 150 tỷ đồng hợp tác với CTCP Vĩnh Thịnh do việc sử dụng nguồn vốn chưa hiệu quả. Việc thu hồi vốn sẽ chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 thu hồi 85 tỷ đồng đầu tư vào KSG, còn giai đoạn 2 rút 65 tỷ đồng và ủy quyền cho HĐQT xem xét phương án sử dụng số vốn này. Theo lý do KHB đưa ra, việc đầu tư vào KSG là muốn mở rộng và phát triển thị phần khắp cả nước, nhất là khu vực phía Nam.

Còn Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Hưng Long (KHL) lại rút 50 tỷ đồng vốn đầu tư khỏi CTCP Phương Trung để chuyển sang CTCP Đầu tư Thương mại Đông Bắc.

Tương tự KHL, Khoáng sản Luyện kim màu (KSK) cũng muốn chuyển 60 tỷ đồng đã đầu tư vào  CTCP Tài nguyên Sài Gòn (30 tỷ đồng) và Công ty TNHH Kim Cương Lai Châu (30 tỷ đồng) để rót vào CTCP Thương mại Đông Bắc. Ngoài ra, phát sinh tại đại hội, hai cổ đông lớn của KSK đã đề xuất công ty chuyển hướng hoạt động sang ngành sản xuất vật liệu xây dựng bởi hiện nay ngành khoáng sản đang trong giai đoạn khó khăn. Theo đó, KSK sẽ phát hành gần 12 triệu cp để huy động vốn mua lại 100% vốn Công ty TNHH Xây dựng Bình Minh 1 tương ứng với số tiền 100 tỷ đồng, còn lại hơn 19 tỷ đồng sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, Bình Minh 1 đã ở trong tình trạng ngừng hoạt động. Người đại diện theo pháp luật là Tổng giám đốc Phạm Khắc Liên.

Hai nhân tố “mới mà cũ”

Trong khi CTCP Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Gia Lai (KSG) có thâm niên 19 năm hoạt động thì Thương mại Đông Bắc lại là cái tên mới vừa được thành lập nhưng cả hai đều có điểm chung là liên quan đến bà Phạm Thị Hinh.

KSG tiền thân là Công ty TNHH MTV Gạch ngói Gia Lai được thành lập năm 1996. Đến năm 2008, Công ty thực hiện cổ phần hóa và đổi tên thành CTCP Gạch ngói Tuynen Bát Tràng - Gia Lai với vốn điều lệ 15 tỷ đồng.

Tháng 6/2013, công ty phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ từ 15 tỷ đồng lên 19.5 tỷ đồng và đến cuối năm thì thay mới hoàn toàn dàn lãnh đạo dòng họ Mai. Nhóm mới có bà Phạm Thị Hinh được bổ nhiệm chức Chủ tịch, ông Trần Mạnh Hùng (cháu bà Hinh) làm Giám đốc.

Sau khi thay dàn lãnh đạo mới, tháng 3/2014 KSG tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 19.5 tỷ đồng lên hơn 85.6 tỷ đồng và đổi tên thành CTCP Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Gia Lai. Đồng thời đăng ký thêm một số ngành nghề kinh doanh như sản xuất xi măng, vôi, thạch cao; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao… "Bộ sậu" mới của KSG lúc này đều nắm giữ cổ phần tại đây.

Kể từ đó, tuy vốn điều lệ được giữ nguyên ở mức 85.6 tỷ đồng nhưng cơ cấu tỷ lệ sở hữu đã có những thay đổi. Báo cáo quản trị năm 2014 và 2015 của KSG cho thấy hơn 60% vốn cổ phần KSG tập trung trong tay 3 vị trong HĐQT. Trong đó, Chủ tịch Phạm Thị Hinh sở hữu 25.57% vốn, Thành viên HĐQT Trần Mạnh Hùng cùng bố và em trai nắm 30.24%, Thành viên HĐQT Hoàng Đình Kế nắm 4.67%. Sau đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 hồi tháng 4 vừa qua, cổ đông của KSG đã thông qua việc cho phép bà Hinh và ông Hùng không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai cổ phần KSG khi thay đổi tỷ lệ sở hữu trên 25%. Thời gian mua từ tháng 4-9/2015.

Số cổ phần 3 thành viên HĐQT được phép mua từ tháng 4-9/2015

 

Điều kỳ lạ, giấy phép kinh doanh thay đổi lần 8 vào cuối tháng 1/2015 của KSG, tức trước thời điểm được phép chào mua công khai trên, đã ghi nhận số lượng cổ phần đang nắm giữ của bà Hinh, ông Hùng và ông Kế bằng đúng số cổ phần được phép chào mua trong quý 2 và quý 3/2015 trên. Cụ thể, theo giấy phép kinh doanh này thì cựu Chủ tịch Mai Anh Tám nắm 5.96% vốn KSG, bà Phạm Thị Hinh sở hữu tới 62.63%, còn ông Trần Mạnh Hùng sở hữu 26.16%, ông Hoàng Đình Kế 5.26%.

Đến tháng 11 vừa qua, ĐHĐCĐ bất thường của KSG đã thông qua việc phát hành 8.5 triệu cp cho nhà đầu tư chiến lược là CTCP Khoáng sản Hòa Bình (KHB) với mức giá 10,000 đồng/cp. Mục đích huy động vốn là để đầu tư, thay thế các trang thiết bị hiện đại, xây dựng thêm 2 dây chuyền sản xuất. Vấn đề này cũng khớp với phương án mà cổ đông của KHB đã thông qua vào cuối tháng 11 là rót 85 tỷ đồng vào KSG. Như vậy, nếu KHB đầu tư vào KSG thì tương ứng với tỷ lệ sở hữu sẽ gần 50% vốn.

Nếu như KSG có thâm niên 19 năm hoạt động thì ngược lại, CTCP Đầu tư Thương mại Đông Bắc có tuổi đời còn rất rất trẻ, chỉ mới gần 30 ngày tuổi (thành lập 12/11/2015) tại Quảng Ninh. Lĩnh vực hoạt động của Đông Bắc cũng là về khoáng sản với vốn điều lệ 110 tỷ đồng. Và người đại diện theo pháp luật của công ty cũng không phải ai xa lạ mà chính là cháu ruột bà Hinh – Chủ tịch Trần Anh Tú. Vị này cũng chính là người nắm giữ phần vốn nhiều nhất tại Đông Bắc với 45.45%, tiếp theo là bà Phạm Thị Hải Yến và ông Lê Hữu Lộc (Giám đốc CTCP Phương Trung và là Thành viên HĐQT KSK) đều nắm 27.27%.

Cổ đông sáng lập của Thương mại Đông Bắc


Mối quan hệ sở hữu của bà Phạm Thị Hinh và 1 số đơn vị liên quan