Đồng tiền nào bị ảnh hưởng mạnh nhất từ động thái nâng lãi suất của Fed?

Đồng tiền nào bị ảnh hưởng mạnh nhất từ động thái nâng lãi suất của Fed?

Đồng nội tệ của cả Indonesia và Malaysia đều khá “bầm dập” trong một năm qua và động thái nâng lãi suất hôm thứ Tư của Mỹ có thể sẽ là một đòn giáng nặng nề tiếp theo đối với cả 2 đồng tiền này.

* Fed chính thức nâng lãi suất lần đầu tiên từ năm 2006

* Những điều cần biết trước quyết định lịch sử của Fed

 

“Cả hai đồng tiền này đều dễ bị tác động bởi động thái nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và việc thắt chặt nguồn thanh khoản đôla cũng như sự tháo chạy của dòng vốn” nhận định của ông Mitul Kotecha, người đứng đầu bộ phận ngoại hối châu Á tại Barclays, trên CNBC trong ngày thứ Năm. Ông nói: “Cả hai đồng tiền này đều rất dễ rớt giá trong năm tới”.

Theo ông, một phần nguyên nhân là do cả hai quốc gia này đều là nước xuất khẩu hàng hóa. Lãi suất cao hơn tại Mỹ sẽ thúc đẩy đồng USD, qua đó tác động tiêu cực đến giá cả của các hàng hóa neo theo đồng tiền này.

Việc giá cả hàng hóa xuất khẩu của Indonesia và Malaysia sụt mạnh đã khiến đồng nội tệ của họ rớt xuống các mức thấp chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1998. Từ đầu năm đến nay, đồng USD đã tăng mạnh khoảng 24% so với đồng ringgit của Malaysia và tiến gần 14% so với đồng rupiah của Indonesia.

Hôm thứ Tư, Fed nâng lãi suất thêm 0.25% lên 0.25-0.5%, đánh dấu lần nâng lãi suất đầu tiên kể từ ngày 29/06/2006.

Một phần do động thái nâng lãi suất này, giá dầu WTI tại Mỹ lao dốc gần 5% và khép lại ngày thứ Tư tại mức 35.52 USD/thùng, giảm 1.83 USD/thùng (tương ứng 4.9%) sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) thông báo dự trữ dầu thô tuần qua tăng 4.8 triệu thùng.

Sức ép giá cả năng lượng cùng với khí hậu ôn hòa vào mùa đông tại Mỹ sẽ tác động xấu đến cả Malaysia và Indonesia, Robert Rennie - Trưởng Bộ phận chiến lược ngoại hối toàn cầu tại Westpac Bank - cho CNBC biết trong ngày thứ Năm.

Ông Rennie nói: “Nếu tôi đúng và động lực tăng trưởng của các số liệu Mỹ cải thiện trong quý 1, đó là điều đáng chú ý. Vì thế tôi cho rằng chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến dòng vốn đầu tư rút khỏi châu Á và đà tăng trưởng dưới mức kỳ vọng tại Malaysia cũng như Indonesia, do đà sụt giảm của giá hàng hóa”.

Barclays cũng chỉ ra mối lo ngại về tác động của giá dầu thấp đối với đồng rupiah và đồng ringgit.

“Đà sụt giảm mạnh hơn của giá dầu từ các mức hiện tại vẫn là bất ổn lớn nhất và có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến tài sản của các thị trường mới nổi trên toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia xuất khẩu hàng hóa như Malaysia và Indonesia”, Barclays cho biết trong báo cáo công bố ngày thứ Năm.

Dù vậy, ông Kotecha cũng lưu ý rằng nhiều khả năng đà giảm giá của các đồng tiền này trong năm tới sẽ không tồi tệ như trong năm nay.

“Đồng ringgit hiện đã quá rẻ. Đồng tiền này đã giảm giá quá mạnh”, ông cho biết. “Tốc độ giảm giá có thể chững lại. Và thậm chí Indonesia cũng có khả năng gia tăng so với các mức hiện tại. Lợi suất tương đối cao và điều đó đã khiến nhà đầu tư rất khó để bán khống đồng tiền này”.

Ngân hàng Trung ương Indonesia (Bank Indonesia) được kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 7.5% tại cuộc họp ngày thứ Năm nhưng một số nhà phân tích dự báo Bank Indonesia sẽ hạ lãi suất vào tháng 1/2016./.