DGW: Lấp đầy khoảng trống doanh thu từ Nokia trong năm 2016 ra sao?

DGW: Lấp đầy khoảng trống doanh thu từ Nokia trong năm 2016 ra sao?

Trong cơ cấu doanh thu của CTCP Thế giới số (HOSE: DGW), doanh thu từ mảng Nokia chiếm tỷ trọng không nhỏ nhưng đã bị giảm mạnh 64% trong năm 2015 và dự kiến năm 2016 sẽ biến mất. DGW cho biết trước sức ép này, các nhãn hiệu điện thoại di động khác sẽ thế chỗ như Obi, Wiko, Intex, Motorola, Lenovo.

Kết thúc năm 2015, CTCP Thế giới số (HOSE: DGW) ghi nhận doanh thu 4,208 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 105 tỷ đồng, so với kế hoạch năm đề ra chỉ mới thực hiện được 66% về doanh thu và 70% về lợi nhuận. Đồng thời cả hai chỉ tiêu này đều giảm so với năm 2014, doanh thu giảm 14% và lợi nhuận sau thuế giảm 18%.

Mặt khác, cơ cấu doanh thu 2015 của DGW cho thấy hầu hết các mảng đều tăng trưởng ngoại trừ mảng Nokia chỉ đạt 879 tỷ đồng, giảm đến 64%. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của DGW. Lý giải câu chuyện Nokia, ông Đoàn Hồng Việt – Chủ tịch HĐQT DGW cho biết, trong năm 2015, Microsoft đã mua lại hãng điện thoại Nokia và có chiến lược kinh doanh bán các thiết bị đi kèm với bán phần mềm như Microsoft 365 hay Cloud. Sau đó, Microsoft thay đổi CEO mới, chiến lược kinh doanh cũng thay đổi khi hãng này chú trọng phát triển các phần mềm trên Iphone, Ipad, điện thoại Androi thay vì phát triển thiết bị di động. Trong năm 2015, hãng Microsoft chỉ sản xuất ra khoảng 6 mẫu Nokia để cho các nhà sản xuất khác làm theo. Chính vì điều này đã làm doanh số Nokia năm 2015 của DGW sụt giảm mạnh.

Tiếp tục trong năm 2016, doanh thu từ Nokia sẽ biến mất. Trước sức ép này, các nhãn hiệu điện thoại di động khác sẽ thế chỗ như Obi, Wiko, hay Intex - một thương hiệu lớn thứ 2 tại Ấn Độ mà DGW vừa mới ký hợp đồng phân phối độc quyền vào tháng 1/2016, ngoài ra còn có Motorola, Lenovo. Các nhãn hàng của DGW có sự đan xen nhau ở phân khúc sử dụng, cao cấp có sản phẩm Apple, thấp hơn có Motorola, tầm trung có Obi hay Lenovo, thấp hơn có Wiko và thấp nhất có Intex. Với dãy sản phẩm trên, DGW đa dạng được phân khúc khách hàng, điều này tạo ra giá trị thặng dư cho nhà sản xuất. Qua đó, hoạt động marketing, tiếp cận khách hàng cũng sẽ khác nhau mà DGW là đơn vị duy nhất đứng ra thực hiện.

Như vậy, DGW kỳ vọng năm 2016 sẽ đạt doanh thu 5,390 tỷ đồng, tăng 28% so với kết quả 2015; lợi nhuận sau thuế là 138 tỷ đồng, tăng 31%. Bên cạnh đó, HĐQT Công ty cũng vừa thông qua việc tạm ứng cổ tức 2015 với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt. Dự kiến Công ty sẽ chi ra khoảng 46 tỷ đồng trong quý 1/2016.

Cơ cấu doanh thu của DGW giai đoạn 2014 - 2016 (Đvt: Tỷ đồng)

Theo kế hoạch năm 2016, công ty con duy nhất của DGW là Công ty TNHH MTV Digiworld Venture sẽ chính thức có doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 40 tỷ và 1.8 tỷ đồng. Công ty này thành lập vào giữa năm 2015 với hoạt động kinh doanh dịch vụ nhằm tối ưu hóa khâu logistic và quản lý hoạt động phân phối. Bên cạnh đó, dịch vụ DGCare trong năm 2016 sẽ mở thêm 5 cửa hàng nâng tổng số lên 10 và có mặt tại 8 thành phố lớn cả nước.

5 mảng dịch vụ phân phối của DGW

Tùy theo từng nhà sản xuất, DGW sẽ cung cấp 1 hay nhiều Distribution Services. Trường hợp của Apple, DGW chỉ cung cấp 3 dịch vụ cuối, trong khi đó với Obi hay Wiko thì cung cấp trọn 5 dịch vụ.