Phú Quốc dự kiến trở thành đặc khu kinh tế (SEZ) vào năm 2020

Phú Quốc dự kiến trở thành đặc khu kinh tế (SEZ) vào năm 2020

Thông tin từ Savills Việt Nam cho biết, theo quy hoạch tổng thể tới năm 2030 sửa đổi, Phú Quốc sẽ có 3 khu đô thị lớn, 15 khu du lịch sinh thái, 2 khu du lịch phức hợp và 5 sân gôn. Phú Quốc dự kiến sẽ trở thành đặc khu kinh tế (SEZ) vào năm 2020.

Quy hoạch tổng thể của Phú Quốc tới 2030
Nguồn: Savills Việt Nam

Theo quy hoạch tổng thể tới năm 2030 sửa đổi, Phú Quốc sẽ có 3 khu đô thị lớn, 15 khu du lịch sinh thái, 2 khu du lịch phức hợp và 5 sân gôn. Phú Quốc dự kiến sẽ trở thành đặc khu kinh tế (SEZ) vào năm 2020. Theo đó, diện tích dành cho các Khu phức hợp và du lịch sẽ chiếm lần lượt 14% và 6% tổng diễn tích của Phú Quốc, trong khi phần diện tích lớn nhất dành cho lâm nghiệp với tỷ lệ 51%.

Theo Savills Việt Nam, nhiều dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như sân bay quốc tế Phú Quốc, cảng biển quốc tế An Thới và trục đường xuyên đảo Bắc - Nam đã được cải tạo và nâng cấp sẽ là điều kiện cơ sở hạ tầng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của địa phương này. Cáp điện ngầm Hà Tiên - Phú Quốc đã hoàn thành từ năm 2014, trong khi các dự án quy mô lớn đang được xây dựng ở giai đoạn đầu, bao gồm các cảng biển quốc tế ở Dương Đông, cáp treo giữa An Thới và đảo Hòn Thơm và cảng biển nước sâu.

Bên cạnh đó, tăng trưởng du lịch sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ có sân bay quốc tế Phú Quốc đi vào hoạt động từ năm 2012 và chính sách miễn thị thực 30 ngày cho người nước ngoài. Trong ba năm qua, doanh thu du lịch tăng trưởng 38% hàng năm, trong khi tổng lượng khách tăng 61% hàng năm.

Tăng trưởng du lịch của Phú Quốc những năm gần đây
Nguồn: Savills Việt Nam
Một số khách sạn dọc bờ biển Phú Quốc
Nguồn: Savills

Về thị trường khách sạn, nguồn cung phòng khách sạn tăng mạnh trong thời gian qua, với tốc độ tăng 110% trong 3 năm từ 2012 - 2015, theo đó công suất trung bình năm 2015 giảm còn 64% so với mức 72% của năm 2010. Giá phòng trung bình (ARR) tại Phú Quốc là 153 USD, cao hơn hẳn so với mức 80 USD của Đà Nẵng và 68 USD của Nha Trang. Tuy nhiên, số lượng các nhà quản lý quốc tế vẫn còn thấp, chỉ chiếm 8%.

Các chủ đầu tư lớn vào lĩnh vực này có thể kể đến như Tập đoàn Vingroup (VIC), Tập đoàn Sungroup, CEO Group (CEO), BIM Group...

Đối với thị trường nhà ở, mặc dù đây là thị trường mới nổi nhưng được giao dịch khá sôi động, từ mức 120 đơn vị đất nền năm 2012 đã tăng lên 2,500 đơn vị bao gồm đất nền, căn hộ và biệt thự vào năm 2015. Hiện Vingroup đang là chủ đầu tư trong nước dẫn đầu thị trường biệt thự với 76% thị phần theo dữ liệu được thu thập vào tháng 12/2014 của Savills Việt Nam.

Về khách hàng thuộc phân khúc này, 80% người mua đến từ Hà Nội, 15% từ Tp HCM và 5% đến từ các địa phương khác.

Đa số các dự án khu dân cư có bãi biển phía trước với tầm nhìn biển đẹp, đơn cử như: Vinpearl Phú Quốc, Grand World, Sunset Sanato, Sonasea.../.