Top thị phần môi giới CTCK: Môi giới “mất thế” trong cơ cấu nguồn thu

Top thị phần môi giới CTCK: Môi giới “mất thế” trong cơ cấu nguồn thu

Mặc dù đều là những công ty chứng khoán (CTCK) nằm trong top thị phần môi giới toàn thị trường nhưng có vẻ nhiều công ty trong số này lại sống khỏe nhờ mảng khác trong khi tỷ trọng doanh thu môi giới khá thấp, thậm chí chỉ khoảng 20% trên tổng doanh thu.

Doanh thu môi giới của các CTCK trong top thị phần
ĐVT: tỷ đồng
*: Kết quả công ty mẹ

Nhìn chung, phần lớn các CTCK này giảm cả về tổng doanh thu lẫn doanh thu môi giới so với năm 2014. Bên cạnh đó, tỷ trọng doanh thu từ hoạt động môi giới trên tổng doanh thu cũng chỉ nằm trong khoảng 20-30%. Dẫn đầu về giảm doanh thu môi giới, ứng với 20% trở lên, gồm có CTCK FPT (FPTS), CTCK VNDirect (VND) hay CTCK Bảo Việt (BVS), thậm chí mức giảm của CTCK ACB (ACBS) lên đến 31%. Những công ty trong nhóm này đều có tỷ trọng nguồn thu từ môi giới sụt giảm đáng kể qua năm 2015.

CTCK Sài Gòn (SSI) là đơn vị đứng đầu về thị phần môi giới trên cả HOSE trong năm 2015 lẫn HNX trong quý 4/2015 (HNX chưa công bố thị phần môi giới năm). Đây cũng là doanh nghiệp có tổng doanh thu lớn nhất toàn thị trường với gần 1,500 tỷ đồng, còn doanh thu môi giới xếp hàng thứ hai. Tuy nhiên, hoạt động môi giới của SSI nếu so với cùng kỳ thì giảm 13% về doanh thu và chiếm tỷ trọng chưa đến 20% trong cơ cấu doanh thu – mức thấp nhất trong các CTCK top thị phần môi giới.

Một gương mặt quen thuộc khác trong top thị phần môi giới là CTCK TPHCM (HCM) đạt 262 tỷ đồng doanh thu môi giới năm 2015, tuy giảm 12% so với năm trước nhưng lại có chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu do kết quả kinh doanh một số mảng khác có sự thụt lùi.

Ở chiều ngược lại, nổi bật về doanh thu môi giới trong năm là VCSC với 336 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước, chiếm tỷ trọng cao nhất – 49% tổng doanh thu. VCSC chiếm thị phần môi giới thứ 3 trên HOSE và thứ 6 trên HNX.

CTCK KIS Việt Nam (KIS) có mức tăng trưởng vượt trội, tính bằng lần, khi ghi nhận doanh thu chung và doanh thu môi giới lần lượt 174 tỷ và 64 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ trọng doanh thu môi giới của KIS lại giảm đáng kể từ 47% xuống còn 37%.

Xét về kết quả lợi nhuận đạt được trong năm 2015, phần lớn trong số các CTCK này sụt giảm so với năm trước. Trong đó, giảm mạnh nhất là CTCK MB (MBS) với 87%, đạt 9 tỷ đồng. Lãi sau thuế của ACBS cũng lao dốc 61% xuống còn 96 tỷ đồng. Hay như HCM với lãi sau thuế 213 tỷ đồng, giảm 43% so với năm 2014. Còn BVS cũng giảm lãi 11% xuống còn 117 tỷ đồng.

Nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận tại các CTCK này ngoài việc hụt doanh thu từ hoạt động môi giới, một phần khác là do tăng đáng kể chi phí hoạt động kinh doanh. Trong đó, chi phí hoạt động của ACBS tăng vọt từ 16 tỷ lên 116 tỷ đồng. Chi phí của MBS cũng tăng từ 209 tỷ lên 289 tỷ đồng. Riêng với HCM, doanh thu khác trong năm giảm mạnh từ 321 tỷ xuống còn 279 tỷ đồng, đặc biệt là hoạt động đầu tư chứng khoán lao dốc từ 194 tỷ xuống 35 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế năm 2015 của top thị phần môi giới các CTCK
ĐVT: tỷ đồng
*: Kết quả công ty mẹ

Riêng SSI và VCSC có lãi sau thuế ấn tượng, lần lượt đạt 967 tỷ và 240 tỷ đồng, tăng 30% và 65% so với năm trước. Trong đó, SSI chủ yếu nhờ giảm mạnh chi phí hoạt động 60% xuống còn 290 tỷ đồng do hoàn nhập dự phòng 352 tỷ đồng./.