Tư vấn phát hành CTCK: No dồn, đói góp!

Tư vấn phát hành CTCK: No dồn, đói góp!

Năm 2015 là năm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong mảng tư vấn phát hành tại các công ty chứng khoán (CTCK) bởi theo lộ trình, hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước phải đẩy mạnh cổ phần hóa, đó là chưa kể đến hoạt động phát hành cổ phần lẫn trái phiếu cũng rất rầm rộ trong năm này.

Tuy nhiên, thị phần mảng này cũng đã có sự phân hóa và thay đổi giữa các CTCK qua các năm.

* Tư vấn CTCK “thơm lây” từ cuộc đua phát hành nửa đầu năm

Top 15 CTCK về doanh thu tư vấn phát hành năm 2015
ĐVT: triệu đồng
(*: Công ty mẹ)

Trong hoạt động tư vấn, phát hành, không phải CTCK nào cũng được chia phần đều mà đã có sự phân hóa sâu sắc trong nhiều công ty. Có những “ông lớn” mang về doanh thu tư vấn, phát hành khổng lồ, thậm chí chiếm đến 40-50% tổng doanh thu, tuy nhiên vẫn còn hàng loạt các CTCK chỉ “lèo tèo” vài đồng như HBS, ACBS, KIS, KLS, MBKE, hoặc không thu được “cắc” nào từ mảng này.

Qua các năm gần đây, thị phần trong mảng tư vấn, phát hành của các CTCK cũng đã có sự chuyển dịch lớn. Nếu như năm 2013 có CTCK Đại Dương (OCS), CTCK Euro Capital (ECC), CTCK IB (VIX)... góp mặt vào top 15 thì đến năm 2014 và 2015 đều rơi khỏi bảng xếp hạng. Thay vào đó là những gương mặt mới như CTCK VietinBank (CTS), CTCK Maritime (MSI), CTCK Navibank (NVS)…

Như trường hợp của OCS, đến năm 2015, doanh thu từ tư vấn, phát hành của công ty chỉ còn hơn 2 tỷ đồng trong khi năm 2013 là gần 70 tỷ đồng. Hay tại VIX, doanh thu mảng này cũng giảm từ 12 tỷ đến năm 2015 chỉ còn 3 tỷ đồng.

Còn những gương mặt mới CTS, MSI hay NVS đã có sự tăng trưởng vượt trội về doanh thu tư vấn, phát hành qua những năm gần đây. Từ mức doanh thu 10 tỷ đồng vào năm 2013, CTS đã tăng vọt mảng này lên gần 93 tỷ đồng, chiếm 43% tổng doanh thu cả năm. Theo thông tin từ CTS, trong 9 tháng đầu năm 2015, công ty đã hoàn thành 64 hợp đồng tư vấn, gồm 10 hợp đồng thu xếp vốn và 54 hợp đồng tư vấn truyền thống khác, trong đó có hợp đồng thu xếp vốn cho Vincom Retail, Minh Phú, Novaland...; xây dựng phương án cổ phần hóa, bán đấu giá cổ phần cho Công ty Triển lãm Giảng Võ, đăng ký niêm yết cho Công ty Hapulico, Cảng Nha Trang... Trong những tháng cuối năm 2015, CTS tiếp tục tư vấn thành công nhiều thương vụ như IPO CTCP Vận tải Đường sắt Sài Gòn, tư vấn niêm yết cho Tổng công ty Thép Việt Nam…

Hay NVS bất ngờ tăng mạnh doanh thu tư vấn, phát hành năm 2015 với 20 tỷ đồng, chiếm 65% tổng doanh thu trong khi năm trước gần như không có.

Với MSI, hoạt động này tăng trưởng vượt bậc trong hai năm trở lại đây, từ mức doanh thu chỉ vài tỷ đồng vọt lên 102 tỷ đồng năm 2014 và 31 tỷ đồng trong năm 2015. MSI đã tham gia một số thương vụ lớn như IPO Cảng Cam Rang, IPO Cảng Sài Gòn…

Ngoài ra, đối với những tên tuổi luôn trụ hạng trong top này, thứ hạng cũng có chuyển dời nhiều vị trí cho nhau. Đặc biệt như trường hợp của VCSC, trước đây vào năm 2013-2014 luôn nằm trong top 2-3 về doanh thu mảng tư vấn, phát hành nhưng đến năm 2015 đã rơi xuống top 10. Doanh thu hoạt động này của VCSC đạt hơn 30 tỷ đồng trong năm 2015, giảm 67% so với năm 2014.

Riêng CTCK Kỹ thương (TCBS) duy trì được vị trí dẫn đầu về doanh thu tư vấn, phát hành qua các năm, trong đó năm 2015 đạt 325 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước và chiếm tỷ trọng 52% tổng doanh thu. Trong đó, TCBS công bố thế mạnh của mình là thu xếp vốn và tư vấn phát hành trái phiếu trên thị trường khi phân phối một danh mục đa dạng trái phiếu doanh nghiệp như Masan, Vingroup, Novaland...

Ngoài TCBS, CTS, một số CTCK có lợi thế sở hữu của ngân hàng cũng nằm trong top 5 như CTCK Vietcombank (VCBS) đạt doanh thu tư vấn, phát hành 103 tỷ đồng, CTCK BIDV (BSI) đạt 93 tỷ đồng hay CTCK VPBank (VPBS) đạt 86 tỷ đồng. Trong đó, VCBS có những khách hàng về tư vấn, phát hành trái phiếu như Masan Consumer, Sun Group, Vingroup… hay IPO Dịch vụ Du lịch Phú Thọ, IPO Tổng công ty phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi). Còn BSI được biết đến với các thương vụ tư vấn IPO Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN), Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV)…/.