EPS doanh nghiệp xây dựng 2015: Ông lớn nghìn tỷ bị “đàn em” bỏ xa

EPS doanh nghiệp xây dựng 2015: Ông lớn nghìn tỷ bị “đàn em” bỏ xa

Theo thống kê của Vietstock, chỉ có 36/108 doanh nghiệp xây dựng đang niêm yết có EPS năm 2015 lớn hơn trung bình ngành, tương ứng tỷ lệ trên 30%. Trong đó, những doanh nghiệp có vốn trên ngàn tỷ vắng mặt hoàn toàn trong Top 10 dẫn đầu về EPS.

Nhìn chung, EPS bình quân ngành xây dựng năm 2015 tăng so với năm 2014 nhờ tốc độ tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành vượt trội hơn so với mức tăng về số cổ phần lưu hành bình quân. Cụ thể, tổng lợi nhuận ngành xây dựng năm 2015 đạt gần 4,735 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước trong khi số cổ phần lưu hành bình quân chỉ tăng 12%. EPS 2015 ngành xây dựng theo đó đạt 1,554 đồng/cp, tăng 7% so với năm 2014 (1,451 đồng), nhưng vẫn còn khá thấp.

Doanh nghiệp nhỏ dẫn đầu

Top 10 doanh nghiệp xây dựng niêm yết có EPS cao nhất năm 2015 cũng là những doanh nghiệp có EPS trên 4,000 đồng, bỏ xa so với bình quân ngành 1,554 đồng.

Tuy chiếm số đông trong nhóm dẫn đầu đều là doanh nghiệp có vốn dưới trăm tỷ nhưng cũng lưu ý là phần phần lớn trong số này đều tăng trưởng EPS âm. Chỉ riêng VCC có EPS tăng 33% khi đạt 4,117 đồng nhờ lợi nhuận sau thuế năm 2015 tăng trưởng 33%, đạt gần 25 tỷ đồng.

10 doanh nghiệp xây dựng có EPS 2015 cao nhất

Đứng đầu về EPS trong năm 2015 là Xây dựng Cotec (CTD), đạt 15,809 đồng nhờ lãi ròng trong năm tăng trưởng 86% so với năm trước, đạt hơn 666 tỷ đồng. Lợi nhuận CTD tăng trưởng chủ yếu nhờ dịch vụ xây dựng và mua bán vật liệu xây dựng, trong đó biên lãi gộp mảng dịch vụ xây dựng tăng lên 8.2% từ mức 7.2% của năm 2014.

Hai đơn vị kế tiếp là Sông Đà 505 (HNX: S55) và Thủy lợi Lâm Đồng (HNX: LHC) với EPS 2015 lần lượt 11,077 đồng và 10,545 đồng. Trong năm 2015, cả hai đơn vị này đã tăng vốn điều lệ đáng kể so với năm 2014, nhưng nhờ lãi ròng tăng trưởng khá mạnh nên EPS dù giảm nhẹ vẫn giữ được mốc trên 10,000 đồng.

Bứt tốc nhất trong Top 10 kể trên phải nhắc đến Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang (HOSE: THG) và Xây dựng số 3 (HNX: VC3) khi tăng trưởng EPS năm 2015 vọt lên hơn gấp đôi gấp ba lần cùng kỳ. Hoạt động bán bê tông thương phẩm của THG tăng trưởng mạnh trong năm 2015, biên lãi gộp tăng 38% qua đó giúp lãi ròng gấp 3.4 lần, đạt hơn 57 tỷ đồng, EPS theo đó đạt 5,179 đồng, gấp 3.2 lần năm 2014.

VC3 dù ghi nhận vốn điều lệ tăng 150% trong năm nhưng EPS vẫn tăng gấp đôi, đạt 4,738 đồng. Con số này có được nhờ lợi nhuận 2015 tăng trưởng gấp đôi nhờ có thêm nguồn thu từ bất động sản (chủ yếu phát sinh trong quý 3/2015).

 “Ông lớn” tụt hạng

Tính đến cuối năm 2015, có 5 doanh nghiệp xây dựng niêm yết có vốn điều lệ trên ngàn tỷ, mặc dù lợi nhuận mang lại hàng trăm tỷ đồng nhưng khi chia nhỏ theo từng cổ phần (EPS) thì con số vẫn còn nhiều thất vọng. 3/5 doanh nghiệp có EPS sụt giảm so với năm trước, 2 đơn vị còn lại tuy tăng trưởng nhưng EPS rất thấp (dưới 800 đồng).

EPS 2015 của doanh nghiệp xây dựng có vốn trên ngàn tỷ đồng

Vinaconex (VCG) hiện là doanh nghiệp vốn lớn nhất với hơn 4,417 tỷ đồng nhưng EPS năm 2015 chỉ đạt được 726 đồng mặc dù đã tăng 5% so với năm 2014. Kết quả này cũng tương đồng mới mức tăng trưởng lãi ròng 5% khi đạt 320.83 tỷ đồng. Trong năm 2015, dù biên lãi gộp của VCG tăng trưởng mạnh 15% so với năm trước nhưng VCG lại ghi nhận lỗ hơn 173 tỷ đồng từ công ty liên kết liên doanh.

Trường hợp của Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (HNX: PVX), đây là năm thứ hai liên tiếp đơn vị này báo lãi sau lỗ khủng ở năm 2012 và 2013. Song, con số lãi ròng 20 tỷ của PVX là quá khiêm tốn so với số vốn 4,000 tỷ đồng đang có. Đó là chưa kể doanh thu vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong 4 năm qua (năm 2015 hơn 11,600 tỷ). EPS của PVX năm 2015 chỉ đạt 51 đồng.

Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE) cũng chỉ đạt EPS 3,171 đồng, giảm trên dưới 20% so với năm 2014 bởi lãi ròng đã giảm với cùng tỷ lệ. Nguyên nhân khiến REE tăng trưởng âm về lợi nhuận năm qua là do hụt thu từ nguồn các công ty liên kết liên doanh như PPC trước biến động mạnh của tỷ giá.

Khác hơn 1 chút, ĐT Hạ tầng kỹ thuật Tp.Hồ Chí Minh (HOSE: CII) dù có lợi nhuận 2015 tăng trưởng 62% so với năm trước nhưng EPS lại giảm 5%, chỉ đạt 3,241 tỷ đồng. Điều này là do vốn điều lệ của CII đã tăng 22% trong năm qua, lên 2,280 tỷ đồng.

Nhưng giảm mạnh nhất về EPS chính là Tasco (HNX: HUT) khi chỉ đạt 1,430 đồng, tương ứng giảm 56%. Năm 2015 là năm HUT chính thức tăng vốn lên hơn 1,284 tỷ đồng (tăng 36%), trong khi đó lãi ròng lại giảm 38% do hụt thu đang kể trong mảng xây dựng.

20 doanh nghiệp xây dựng có EPS 2015 biến động mạnh nhất

a)  Tăng mạnh

b)  Giảm mạnh

Năm 2015 khép lại, toàn ngành xây dựng có 10 đơn vị báo lỗ, trong đó Xây dựng Số 5 (HNX: VC5) và XD & PT Cơ Sở Hạ Tầng (HNX: CID) có nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp và cả lỗ 3 năm liên tiếp với trường hợp của CID.