Fed đang rất cần điều gì?

Fed đang rất cần điều gì?

Mọi nỗ lực của Fed từ lúc tái khởi động chương trình tăng lãi suất đến giờ sẽ “đổ sông đổ bể” nếu không có một điều quan trọng: lạm phát.

* Fed cân nhắc thay đổi lộ trình nâng lãi suất

 

Theo CNBC, đến thời điểm này đó là một điều rất khó đạt được đối với nền kinh tế Mỹ, ít nhất là theo các thước đo mà các quan chức ở ngân hàng trung ương Mỹ thường dùng. Và với chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), lạm phát thậm chí còn khó xảy ra hơn trong giai đoạn gần đây.

Tuy vậy, các báo cáo được công bố hôm thứ Tư tuần trước đã mang đến một số tin tức tốt lành, với chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 1 tăng 0.1%. Dù chẳng thấm vào đâu nhưng con số này vẫn tốt hơn mức mong đợi của Phố Wall, khi trước đó họ dự báo PPI sẽ giảm 0.2%. Vào ngày thứ Sáu, thị trường tiếp tục tập trung vào chỉ số giá tiêu dùng cơ bản (CPI) tháng 1 với mức tăng chưa điều chỉnh là 1.4% so với cùng kỳ 2015, tốc độ gia tăng nhanh nhất kể từ năm 2014. CPI cơ bản (core CPI) tăng 2.2% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu đà tăng mạnh nhất kể từ mùa hè 2012.

Xu hướng đó sẽ giúp Fed tiến gần hơn đến mục tiêu 2% và tạo dư địa để cơ quan này có thể tiếp tục nâng lãi suất. Tuy nhiên, thị trường Mỹ lại không mong đợi điều đó xảy ra.

Các trader đã và đang ấn định giá cả theo hướng khả năng tăng lãi suất ngày càng suy giảm. Một công cụ mà CME dùng để đo xác suất tăng lãi suất hiện cho thấy “không có cơ hội nào” cho đến ít nhất là tháng 2/2017, trong khi hợp đồng tương lai dựa trên lãi suất qua đêm liên ngân hàng cho thấy “không có thêm động thái nào được xem xét” cho đến tháng 12/2017.

Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch (BofAML) hôm thứ Tư tuần trước đã nhấn mạnh đến những quan điểm khác biệt giữa các thị trường và Fed, khi họ dự báo sẽ có 4 đợt tăng lãi suất trong năm 2016. Riêng Ethan S. Harris, nhà kinh tế học toàn cầu của ngân hàng này, nói rằng ông nghĩ sẽ có 2 đợt tăng lãi suất trong năm nay – một trong tháng 6 và một trong tháng 12.

Để điều đó xảy ra, lạm phát sẽ phải cao hơn mức hiện tại. Và để lạm phát tăng, một trong những điều sẽ phải xảy ra là giá trị đồng USD phải tăng chậm lại, và Harris cũng tin rằng đà tăng của đồng bạc xanh đang suy yếu.

“Nếu các chiến lược gia tiền tệ của chúng ta đúng, và đồng USD tiếp tục tăng với một tốc độ vừa phải thì giảm phát đang theo sát chúng ta,” Harris cho biết trong một báo cáo gửi khách hàng.

Các nhà kinh tế khác cũng cho thấy sự lạc quan tương tự.

Sự chuyển động của chỉ số giá sản xuất (PPI) “bắt nguồn từ đà tăng giá cả dịch vụ, đang khơi lại niềm tin rằng các áp lực lạm phát đang gia tăng”, Lindsey M. Piegza, nhà kinh tế trưởng tại Stifel Fixed Income, phát biểu. Mức cao nhất trong vòng một năm của PPI là “một kết quả đáng khích lệ theo hướng đi đúng đắn, ít nhất là từ thái độ của các quan chức thực hiện chính sách, họ rất mong muốn áp lực lạm phát sẽ gia tăng,” Piegza nói thêm

Về phần mình, Fed tin rằng, dù cho có các áp lực giảm hiện tại, mục tiêu lạm phát 2% là một quỹ đạo mang tính dài hạn hơn, dẫu rằng đó là một điều khó khăn hơn trong thời gian gần đây.

Các chiến lược gia Wells Fargo hôm thứ Ba tuần trước đã rút lại kỳ vọng rằng lạm phát sẽ đạt mức 2% vào cuối năm nay, khi dự báo lạm phát sẽ là 1.4% dù họ đồng ý với ý kiến của Fed rằng đà sụt giảm của giá năng lượng là “tạm thời”.

Với các nhà đầu tư, xu hướng này khá quan trọng. Nếu các điều kiện tài chính tiếp tục thắt chặt và Fed nhận thấy ngày càng trượt xa hơn khỏi mục tiêu lạm phát của mình thì họ có thể thay đổi hướng đi và nới lỏng chính sách sau khi tăng lãi suất lần đầu tiên trong 9 năm.

Trong trường hợp đó, Harris nhận thấy một số phương án khác, chẳng hạn như thay đổi hướng dẫn về mục tiêu lạm phát, hay giảm lãi suất và phát hành những hướng dẫn rõ ràng hơn cho những lần tăng lãi suất trong tương lai.

Fed cũng có thể có những hành động “mạnh tay” hơn, như là thực hiện thêm một đợt mua và bán lượng trái phiếu (Operation Twist) trị giá 408 tỷ USD, với thời gian đáo hạn là 2 năm; đưa ra gói nới lỏng định lượng (QE) thứ tư, hay áp dụng lãi suất âm cho những gì họ đang trả cho các ngân hàng để giữ nguồn dự trữ quá mức, một chọn lựa mà đã làm “khiếp vía” một số thành phần tham gia thị trường.

Dĩ nhiên đó hầu như không phải là phương án mà Fed muốn thực hiện.

“Tùy theo tốc độ nền kinh tế/các thị trường xấu đi như thế nào, Fed có thể đưa ra những bước đi phù hợp,” Harris viết. “Họ sẽ không muốn lãng phí ‘đạn dược’ với những bước đi không có ý nghĩa gì. Nói cách khác, họ sẽ dùng đến liệu pháp ‘sốc và sợ hãi’ khi buộc phải làm như vậy”./.