HDG và VC2 đã buông, dự án 93 Láng Hạ về tay Vinaconex?

HDG và VC2 đã buông, dự án 93 Láng Hạ về tay Vinaconex?

Những tưởng dự án 93 Láng Hạ sẽ là cuộc tranh chấp giữa Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) và CTCP Xây dựng số 2 (HNX: VC2) khi cả 2 công ty này đều công bố sẽ nhận chuyển nhượng hơn 80% vốn của CTCP BĐS An Thịnh vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, đến đầu năm 2016, đến lượt bên thứ ba công bố đã mua công ty này.

* Hơn 160% vốn BĐS An Thịnh được chuyển nhượng, những ai mua "hớ"?

Vinaconex là "ngư ông đắc lợi"?

Theo báo cáo quản trị năm 2015 của Tổng CTCP XNK và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (HNX: VCG), quyết định phê duyệt phương án mua cổ phần của BĐS An Thịnh để đầu tư dự án 93 Láng Hạ đã được HĐQT thông qua vào cuối tháng 12/2015.

Đến đầu tháng 2/2016, trong một công bố thông tin gửi đến Sở GDCK Hà Nội (HNX), Vinaconex cho biết đã cùng các cổ đông của BĐS An Thịnh tiến hành các giao dịch mua bán cổ phần và hoàn tất các thủ tục pháp lý để chuyển thành công ty.

Trích báo cáo quản trị năm 2015 của VCG

Việc một doanh nghiệp BĐS thâu tóm một công ty có quy mô nhỏ hơn để nhận quyền thực hiện dự án không phải điều lạ trên thị trường và câu chuyện này sẽ không có gì để nói nếu như trước đó không lâu, đã có hai đơn vị khác cùng đứng ra cho biết đã đàm phán về việc mua cổ phần của BĐS An Thịnh.

Theo thông báo của Tập đoàn Hà Đô (HDG) vào cuối tháng 7/2015, đơn vị này đã ký hợp đồng mua toàn bộ cổ phần sở hữu từ 3 cổ đông của BĐS An Thịnh  - tương đương 81.4% vốn cổ phần.

Đến đầu tháng 9/2015, đến lượt VC2 khẳng định đã cùng các công ty khác là CTCP Vimeco (VMC) và CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Vinaconex (Vinaconex IUC) ký hợp đồng chuyển nhượng đúng bằng số cp này từ 3 cổ đông của BĐS An Thinh đề cập ở trên, trong đó VC2 sẽ nhận gần 30% vốn, tương đương với giá trị chuyển nhượng gần 20 tỷ đồng.

Việc thực hiện đồng thời 2 hợp đồng chuyển nhượng với tổng 160% vốn của các cổ đông BĐS An Thịnh tại thời điểm đó khiến thị trường rộ lên bàn tán nguyên nhân và được nhắc đến nhiều nhất là một dự án thuộc vị trí đẹp còn sót lại tại trục đường Láng Hạ (Hà Nội) mà BĐS An Thịnh đang nắm giữ. Trao đổi với HDG và VC2 tại thời điểm đó, cả hai công ty này đều khẳng định hợp đồng của mình là có hiệu lực và sẽ theo đuổi vụ chuyển nhượng này.

Tuy nhiên, đến hiện tại, câu chuyện chuyển qua bước ngoặt mới khi VCG gửi công bố thông tin đến UBCKNN và HNX.

HDG và VC2 đã "buông"

Khi được đề cập đến thương vụ này, đại diện HDG cho biết, hiện tại công ty đã rút lui mặc dù là người đầu tiên công bố thông tin liên quan đến vụ chuyển nhượng. Những vấn đề pháp lý liên quan có nhiều rắc rối và HDG cần tập trung vào những dự án hiện tại của Công ty.

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Cường, Phó TGĐ của VC2, cho biết việc công bố thông tin liên quan đến việc chuyển nhượng giữa VC2 và BĐS An Thịnh trước đó nhằm xác minh những vấn đề có liên quan đến sở hữu số cổ phần này. Hiện tại, VC2 cũng đã rút khỏi dự án.

CTCP BĐS An Thịnh được thành lập tháng 08/2007, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực như xây dựng công trình, dân dụng, dự án khu công nghiệp, khách sạn, văn phòng, nhà ở, hạ tầng khu đô thị, tư vấn lập dự án đầu tư, kinh doanh BĐS... Điểm làm nên sức hấp dẫn của một công ty BĐS có quy mô vốn khá khiêm tốn ở mức gần 70 tỷ đồng là dự án duy nhất công ty này đang thực hiện.

Theo thông tin công bố, BĐS An Thịnh hiện đang triển khai Dự án Tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở tại số 93 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội. Theo thiết kế ban đầu, tòa nhà được xây dựng theo hình thức "hợp khối" cao 27 tầng với các diện tích công năng khác. Mật độ xây dựng dự kiến ở mức 50%./.