Lãi suất theo chiều hướng tăng

Lãi suất theo chiều hướng tăng

Từ đầu năm 2016 đến nay, lãi suất huy động tại các NHTM liên tục nhích lên. Để cạnh tranh hút tiền gửi, các NH đưa ra hàng loạt chương trình khuyến mại lớn, trong đó có nhiều ưu đãi cộng thêm lãi suất đối với một số hình thức tiết kiệm đẩy lãi suất huy động lên cao.

Cạnh tranh hút vốn

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các NHTM đã đưa ra hàng loạt chương trình khuyến mại lớn dành cho khách hàng tiền gửi, SHB triển khai chương trình “Xuân sang phát tài - Lộc vàng gõ cửa” với các giải thưởng có giá trị như ô tô, vàng và tiền mặt, OceanBank đưa ra chương trình “Tân xuân rộn ràng, lộc vàng gõ cửa” với giải thưởng từ 1 chỉ đến 5 lượng vàng SJC, Agribank triển khai đợt huy động tiết kiệm dự thưởng “Mừng Xuân Bính Thân - Nhận tiền thưởng lớn” với 2 giải đặc biệt gồm sổ tiết kiệm linh hoạt trị giá 1 tỷ đồng mỗi giải… Song song đó, các NHTM cũng liên tục tăng lãi suất huy động để hút khách hàng tiền gửi.

Theo thống kê của NHNN, hiện lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4,5-5,4%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng từ 5,4-6,5%/năm và kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm. Tuy nhiên, theo biểu lãi suất đang được công bố, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng của nhiều NH đã chạm trần. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 5 tháng của OCB, NCB, OceanBank, Sacombank đang áp dụng chạm mức 5,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng cũng đang được áp dụng ở mức cao từ 7-7,5%/năm, một số NH áp dụng lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 7,8%/năm và kỳ hạn 36 tháng ở mức 8%/năm.

Đáng chú ý, hiện khá nhiều NH cạnh tranh hút vốn thông qua chương trình khuyến mại cộng thêm lãi suất dành cho khách hàng cá nhân. Tại DongABank, lãi suất tiết kiệm VNĐ đối với nhiều kỳ hạn đang ở mức hấp dẫn nhất thị trường, lãi suất cao nhất lên đến 7,2%/năm. Ngoài ra, khách hàng nữ khi sử dụng sản phẩm "Tiết kiệm Silk+" và khách hàng trên 45 tuổi khi sử dụng sản phẩm "Tiết kiệm Trường An" có cơ hội nhận thêm 2 ưu đãi nữa là được cộng thêm lãi suất ưu đãi đến 0,1%/ năm và được tặng lãi suất thưởng thêm đến 0,06%/năm khi tái tục. Như vậy, khách hàng có thể  nhận được tổng lãi suất cộng thêm lên đến 0,16%/năm. Trong khi đó, gửi tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 3 tháng trở lên tại VietinBank sẽ được cộng thêm biên độ lãi suất 0,15%/năm so với lãi suất huy động tiền gửi VNĐ thông thường tại quầy. VPBank cũng áp dụng cộng thêm 0,2% lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến so với lãi suất hiện hành. OCB cũng ưu đãi cộng thêm 0,1%/năm khi gửi tiết kiệm trực tuyến dành cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Viet Capital Bank công bố thay đổi lãi suất tiền gửi tiết kiệm đồng thời ưu đãi cộng lãi suất tiền gửi trực tuyến từ 0,1%/năm đến 0,3%/năm so với lãi suất thông thường ở tất cả các kỳ hạn, đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, khách hàng được cộng thêm 0,3%/nãm lãi suất, lãi suất tối đa lên đến 7,5%/năm.

Lo lãi suất trung, dài hạn tăng

Đối với hoạt động huy động vốn, NHNN đã nhìn thấy xu hướng đẩy lãi suất của các NHTM, thể hiện qua việc Thống đốc ban hành Văn bản 297/NHNN-TTGSNH về việc chấn chỉnh việc thực hiện lãi suất huy động. Văn bản này nhận định, các TCTD và chi nhánh NH nước ngoài đã đẩy mạnh huy động vốn gắn với việc triển khai các chương trình khuyến mại, tặng quà, tặng lãi suất, chuyển lãi suất tiền gửi qua lãi suất cho vay hoặc giá dịch vụ, hoặc giao dịch khác với cùng khách hàng và người có liên quan của khách hàng, làm tăng chi phí hoạt động, ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất thị trường. Theo đó, Thống đốc yêu cầu TCTD chấp hành đúng quy định của NHNN về mức lãi suất huy động theo quy định hiện hành; không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động; nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn… Tuy nhiên, hiện các NH vẫn áp dụng khuyến mại “khủng” để hút khách.

Hiện nay, hầu hết các ý kiến đều cho rằng áp lực tăng lãi suất huy động làm tăng lãi suất cho vay trong năm 2016 rất lớn. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay có thể tăng tối thiểu 1%. Thời gian gần đây, tín dụng đã hồi phục, các NH buộc phải cạnh tranh lãi suất để thu hút tiền gửi, giữ chân khách hàng, nếu không khi tín dụng tăng nhanh có thể rơi vào rủi ro thanh khoản. Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc NHNN, cho rằng năm nay kỳ vọng đặt ra giảm lãi suất trung và dài hạn, nhưng có làm được hay không chưa ai trả lời được, trong khi trên thực tế đã thấy lãi suất tăng.

Một trong những nguyên nhân tác động đến lãi suất do NHTM đang là người mua chính trên thị trường trái phiếu chính phủ. Động thái tăng lãi suất huy động của các NHTM đang khiến cho các doanh nghiệp lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng, ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư. Theo ông Đỗ Phước Tống, Giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh, các doanh nghiệp cơ khí điện đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần vốn đầu tư dài hạn, nếu lãi suất cho vay tăng cơ hội đầu tư phát triển của ngành sẽ bị hạn chế rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, từ cuối năm 2015 thị trường có những dấu hiệu hồi phục do đó doanh nghiệp cũng đưa ra kế hoạch đầu tư phát triển, nhưng nếu lãi suất tăng lên trên 10%/năm sẽ phải xem xét lại, vì trong bối cảnh hiện nay đầu tư với mức lãi suất đó doanh nghiệp không có lợi nhuận.

ĐỖ LINH

Sài gòn đầu tư tài chính