Doanh nghiệp niêm yết hào hứng với thị trường Nga

Doanh nghiệp niêm yết hào hứng với thị trường Nga

Từ doanh nghiệp thủy sản, sữa, dược liệu đến cả tổ chức tài chính cũng đang rục rịch những bước đi đầu tiên “cắm chốt” vào thị trường Nga ngay khi FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á- Âu được ký kết.

Kinh tế Nga đang chịu ảnh hưởng lớn do Mỹ và EU cấm vận, cùng việc giá dầu giảm mạnh, đồng Rúp mất giá… nhưng với dân số trên 200 triệu người thì đây vẫn là một thị trường đầy tiềm năng với doanh nghiệp Việt, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEC) đã được ký kết hồi tháng 5/2015.

Theo đó, khi Hiệp định có hiệu lực từ đầu năm 2016, 4 nhóm hàng thủy sản, dệt may, giày dép và đồ gỗ được hưởng lợi nhiều nhất, trong đó thủy sản sẽ được áp dụng mức thuế suất 0%. Bởi thế mà khá nhiều doanh nghiệp niêm yết Việt Nam đang rục rịch đầu tư vào thị trường Nga trong thời gian gần đây.

Thủy sản Hùng Vương (HVG) có lẽ là doanh nghiệp đánh tiếng mạnh nhất trong việc đầu tư sang Nga. Hiện Hùng Vương đang lên kế hoạch chi 15 triệu USD mua 51% vốn công ty thủy sản Russia Fish - chuyên kinh doanh, phân phối, bán lẻ thủy sản ở Nga. Theo tiết lộ, Russia Fish chiếm hơn 5% thị phần phân phối cá, đồng thời nhập khẩu và phân phối nhiều mặt hàng nhất tại Nga với hơn 60% loại cá từ 18 thị trường trên thế giới. Công ty có hệ thống kinh doanh lớn với 19 chi nhánh và 13 văn phòng đại diện giao dịch trên toàn nước Nga.

Tất nhiên việc đầu tư một khoản tiền lớn vào thị trường mà hiện cũng đang gặp khó khăn về kinh tế này cũng khiến không ít cổ đông lo lắng. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 hồi cuối tháng 1, ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT HVG lý giải, khi đồng Rúp mất giá thì xu hướng tiêu dùng của người dân thay đổi, nếu trước đây họ chuộng các sản phẩm thủy sản có giá bán cao như cá hồi hay cá ngừ, thì giờ đây chuyển sang tiêu thụ những loại cá có mức giá rẻ hơn như cá tra, basa… Trong khi đó, Hùng Vương là công ty có sản lượng cá tra xuất vào Nga rất lớn, nếu thị trường châu Âu chiếm 40%, tiếp theo là Mỹ thì Nga chiếm 10%. Ngoài ra, Hùng Vương cũng sẽ hợp tác với một số đối tác khác tại Nga về chế biến cá alaska pollock…

Cũng chia sẻ tại ĐHĐCĐ vừa qua khi cổ đông thắc mắc liệu Hùng Vương giải quyết vấn đề tỷ giá giữa VNĐ và Rúp như thế nào trong bối cảnh đồng tiền này mất giá, ông Minh cho biết vấn đề tỷ giá đã được ngân hàng BIDV hỗ trợ giải quyết, Hùng Vương có thể đổi Rúp lấy VNĐ ngay trong ngày.

Ngân hàng BIDV (BID) cũng đang đặt những bước chân đầu tiên vào thị trường Nga khi những ngày đầu năm 2016 đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho thành lập văn phòng đại diện tại Matxcơva. Theo BIDV, ngân hàng sẽ hỗ trợ thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Nga. Đồng thời, văn phòng này cũng sẽ là cầu nối thực hiện chức năng thu thập thông tin, nghiên cứu thị trường, nhận diện cơ hội hợp tác; thiết lập, phát triển quan hệ và giữ vai trò đầu mối liên lạc giữa BIDV với các cơ quan chức năng, đối tác, khách hàng tiềm năng và hiện tại tại Nga. BIDV cho biết, trong kế hoạch dài hạn, sau khi nghiên cứu kỹ thị trường, BIDV sẽ mở hoạt động chi nhánh/ngân hàng con tại Nga vào thời điểm phù hợp.

Một “ông lớn” ngành sữa là Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) cũng bày tỏ ý định đón đầu cơ hội ở thị trường Nga thông qua kế hoạch thành lập văn phòng đại diện tại quốc gia này. Tháng 11/2015 vừa qua, Vinamilk đã xuất khẩu các lô hàng vào thành phố St Petersburg và tham dự hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tại Moscow. Vinamilk cho biết, từ các phản hồi tích cực của thị trường châu Âu và Nga cho các sản phẩm của công ty, dự kiến trong thời gian tới Vinamilk sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phát triển và mở rộng hoạt động ở các quốc gia này.

Sản phẩm của Vinamilk hiện cũng có mặt ở hơn 40 nước trên thế giới, như Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Canada, Mỹ, Úc... và Vinamilk đang tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường sang châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ…

Cùng ngành sữa, Tập đoàn TH nhanh chân hơn khi tháng 10/2015 ký thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Matxcơva. Dự án có tổng vốn đầu tư 2.7 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 có vốn đầu tư 500 triệu USD. Dự kiến sẽ chính thức khởi công dự án vào tháng 4/2016 và giữa năm 2017 thì sản phẩm sữa TH đầu tiên sẽ ra mắt tại Nga. Dự án sẽ được triển khai trong 10 năm (2015-2025). Khi hoàn thành, tổng số đàn bò dự kiến là 350,000 con, tổng công suất chế biến sữa là 5,900 tấn/ngày, tương đương gần 1.8 triệu tấn/năm. Dự án được triển khai trên tổng diện tích vùng nguyên liệu tập trung là 140,000 ha. Cùng với dự án sữa, tập đoàn TH cũng xúc tiến thực hiện các dự án sản xuất rau quả, dược liệu… cung ứng cho thị trường nội địa Nga.

Ngoài doanh nghiệp sữa, cũng sau đợt giới thiệu hàng Việt Nam chất lượng cao vừa qua, đơn vị chuyên về các sản phẩm trà và dược liệu - Dược Lâm Đồng (Ladophar - LDP) đã ký hợp đồng phân phối với 1 công ty tại Nga. Theo đó, Công ty đã được phía Nga cấp số đăng ký cho 7 sản phẩm ngay lần đầu tiên giới thiệu sản phẩm và đăng ký kinh doanh tại thị trường này.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, đến cuối tháng 9/2015, Việt Nam có 18 dự án đầu tư sang Nga với tổng vốn đầu tư là 2.4 tỷ USD. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong các nước thuộc Asean. Với việc cấm vận kinh tế cũng như FTA và Liên minh kinh tế Á-Âu được ký kết thì cơ hội hợp tác giữa hai thị trường ngày càng thuận lợi hơn về kim ngạch xuất nhập khẩu, dòng vốn đầu tư, nguồn lực lao động…

Tuy nhiên như lời Chủ tịch Hùng Vương đã nói, thị trường toàn cầu là một sân chơi chung với những luật chơi khắc nghiệt mà một khi đã bước chân vào thì doanh nghiệp buộc phải tuân thủ. Cơ hội chỉ mở ra với những doanh nghiệp có tiềm lực thực sự, có sự chuẩn bị và đầu tư bài bản. Doanh nghiệp nào không đủ mạnh, hoạt động không hiệu quả sẽ gặp khó khăn, thậm chí là bị đánh bại ngay cả trên sân nhà./.