FPT sẽ bán mảng Retail vào cuối năm nay với giá trên 2,000 tỷ đồng?

[Bài cập nhật]

FPT sẽ bán mảng Retail vào cuối năm nay với giá trên 2,000 tỷ đồng?

  • Mảng bán lẻ của FPT được định giá khoảng 2,300-2,700 tỷ đồng
  • MWG có ý định mua lại FPT Shop/Studio

Theo nguồn tin của Nikkei Asian Review, CTCP FPT (HOSE: FPT) dự kiến sẽ bán mảng kinh doanh bán lẻ và hoạt động phân phối (Retail and Distribution) vào cuối năm nay để tập trung cho hoạt động cốt lỗi là công nghệ và phân khúc viễn thông.

Bình luận về thông tin trên, đại diện FPT cho biết, công ty chưa từng xác nhận thông tin về việc bán mảng bán lẻ và phân phối với Nikkei Asian Review. Đồng thời, FPT cũng chưa có kế hoạch cụ thể về vấn đề này.

Tuy nhiên, còn nhớ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 hồi đầu tháng 4/2015, Chủ tịch HĐQT FPT -  ông Trương Gia Bình khi đó đã đề cập đến kế hoạch bán mảng kinh doanh này. Theo ông Bình, mặc dù mảng Retail có tốc độ tăng trưởng cao nhưng so với trước thì tỷ trọng của mảng này mang lại cho FPT đã giảm. Trong khi, nếu xét về lâu dài, mảng Retail sẽ gặp phải sự cạnh tranh đến từ nhiều đối thủ và không đạt được tốc độ tăng trưởng như mảng công nghệ. Đồng thời, khi mảng Retail đang tăng trưởng tốt cũng là cơ hội mang lại cho FPT mức giá bán hợp lý.

Ngoài ra, trên thị trường gần đây cũng xuất hiện những đồn đoán về việc CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (HOSE: MWG) có ý định mua lại chuỗi cửa hàng từ FPT. Ông Trần Huy Thanh Tùng - Giám đốc MWG cho biết, MWG chính xác là có ý định mua lại FPT Shop/Studio từ FPT nếu Tập đoàn này có ý định thoái vốn, tuy nhiên tất cả hiện chỉ mới dừng ở ý định.

Trở lại với Nikkei Asian Review, trang tin này cũng trích dẫn ý kiến của bà Lê Hồng Liên, thuộc bộ phận phân tích của Maybank Kim Eng, rằng giá trị thương vụ này khoảng 2,300-2,700 tỷ đồng, tương đương 103-121 triệu USD. FPT có thể sẽ đầu tư số tiền này vào việc phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ và các dịch vụ viễn thông mới.

Trong lĩnh vực bán lẻ, năm 2015, FPT đã vận hành 252 cửa hàng trên phạm vi toàn quốc.

Trao đổi cùng bà Lê Hồng Liên về con số này, bà chia sẻ thêm, do không tách bạch được phần tài sản và nợ của mảng kinh doanh này nên việc định giá mảng bán lẻ và phân phối của FPT dựa vào các thông tin về doanh số và lợi nhuận, cũng như số lượng cửa hàng do FPT công bố từ đó đưa ra con số ước tính. Việc định giá này áp dụng theo mô hình định giá chung dành cho một số doanh nghiệp trong mảng bán lẻ. Chuỗi FPT Shop/Studio đem về doanh thu khoảng 7,830 tỷ đồng trong năm 2015, tăng 148% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 19.6% tổng doanh số của FPT. Lợi nhuận trước thuế ghi nhận tăng 339% cùng kỳ lên 180 tỷ đồng, tương đương 6.2% tổng lợi nhuận.

"Giá trị của thương vụ phụ thuộc rất nhiều vào đối tác quan tâm (trong nước hay nước ngoài và chiến lược phát triển sau khi mua), tuy nhiên do Maybank Kim Eng chưa có được thông tin này nên ước tính theo phương pháp định giá chung. Giá trị thương vụ 2,300-2,700 tỷ đồng được đưa ra dựa trên 13 - 15x PER" - bà Liên nhận xét.