Sotrans và bước tiếp theo trong vụ thâu tóm Sowatco

Sotrans và bước tiếp theo trong vụ thâu tóm Sowatco 

ĐHĐCĐ bất thường của Tổng CTCP Đường sông Miền Nam (Sowatco - SWC) đã chấp thuận việc Công ty TNHH MTV Đầu tư Hạ tầng Sotrans được phép mua đến 75% cổ phần của SWC mà không phải thực hiện chào mua công khai. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư trong 25% số cổ phần còn lại cảm thấy “thiệt thòi” nếu Sotrans thâu tóm SWC thành công.

* Ai đang thâu tóm cổ phiếu logistics hậu SCIC thoái vốn?

Ông Đinh Việt Tùng (thứ 2 từ phải sang) - người vừa bị miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của SWC.

Sau một thời gian dài liên tục xuất hiện những cổ đông lớn đến và đi tại SWC, hình bóng nhóm thâu tóm Công ty tiếp tục lộ rõ thêm với gương mặt cổ đông chiến lược mới. Theo tờ trình ĐHĐCĐ bất thường diễn ra chiều ngày 09/03, HĐQT của SWC đã đề xuất việc cho Công ty TNHH MTV Đầu tư Hạ tầng Sotrans - công ty con của CTCP Kho vận Miền nam – Sotrans (HOSE: STG) được mua số cổ phần của cổ đông hiện hữu để sở hữu lên đến 75% số cổ phiếu đang lưu hành của Công ty mà không phải thực hiện việc chào mua công khai. Nội dung này đã được Đại hội thông qua mặc dù có nhiều ý kiến không tán thành do lo ngại các cổ đông nắm giữ 25% còn lại có thể bị “thiệt thòi”.

Quá trình đổi chủ của SWC bắt đầu từ việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái toàn bộ hơn 66% vốn. Đó là việc xuất hiện các cá nhân hoàn toàn mới thi nhau “gom hàng” trong khoảng thời gian SCIC thực hiện thoái vốn, khối lượng mua từ vài triệu cho đến 10 triệu cp. Sau đó, những cá nhân mới “rút lui” và sang tay cổ phần SWC cho các “ông lớn” tổ chức, thêm hai cái tên nữa lộ diện là CTCP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (ITL Corp) – 7.1% và Quản lý quỹ IB – 3.9%, bên cạnh những tổ chức là CTCP SCI (HNX: S99) – 6.7% và CTCK IB (HNX: VIX) – 4.6% công khai danh tính từ đầu.

Đây cũng là những cái tên quen thuộc trong cũng nhóm thâu tóm các doanh nghiệp vận tải – logistics và ít nhiều liên quan đến nhóm cổ đông đã “nuốt trọn” chính Sotrans cũng như CTCP MHC (HNX: MHC) trong năm 2015.

Tuy nhiên, nhóm gồm bốn tổ chức này hiện mới nắm giữ 22.3% số cổ phần. Do đó, để sở hữu 75%, Sotrans sẽ phải mua từ những nhà đầu tư khác hơn 32.5 triệu cp của SWC, tương ứng 52.7%. Về phía Sotrans, doanh nghiệp không phải đăng ký chào mua công khai giống như những gì xảy ra trong vụ thâu tóm MHC. Theo lý giải của ông Phạm Nguyên Xuân Bắc – Thành viên HĐQT thì việc này là để “bớt thủ tục” cho nhà đầu tư chiến lược.

Bảng cơ cấu cổ đông hiện tại của SWC

Cùng với biến động về sở hữu, SWC cũng có thay đổi lớn về nhân sự thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát và trình lên ĐHĐCĐ trong chiều ngày 09/03. Hai cá nhân rút khỏi HĐQT SWC là ông Đinh Việt Tùng – Chủ tịch HĐQT cũng là người đại diện phần vốn của SCIC và ông Tô Hữu Hùng - Thành viên HĐQT.

Theo giới thiệu của nhóm cổ đông sở hữu gần 21.2 triệu cp (tương ứng 31.54% số cổ phần) đề cử ông Lê Bá Thọ và ông Nguyễn Văn Tuấn vào HĐQT; đề cử ông Phạm Tường Minh vào Ban Kiểm soát. Theo giới thiệu của nhóm cổ đông nắm giữ 7.7 triệu cp (tương ứng 11.49% vốn điều lệ), đề cử ông Trương Quốc Hưng vào HĐQT và ông Phan Trọng Lâm vào Ban Kiểm soát. Cuối cùng Đại hội cũng đã thông qua vấn đề về nhân sự với hai thành viên mới trong HĐQT nhiệm kỳ 2014-2019 là ông Lê Bá Thọ và ông Nguyễn Văn Tuấn, Ban kiểm soát có thêm hai thành viên là ông Phạm Tường Minh và ông Phan Trọng Lâm.

Các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát mới ra mắt cổ đông.

Được biết, tính đến ngày chốt danh sách cổ đông dự họp, ông Lê Bá Thọ đại diện cho số 14,490,783 cp tương ứng 22% số cổ phần, hiện ông đang giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT của Sotrans. Người còn lại là ông Nguyễn Văn Tuấn đại diện cho số 28,475,524 cp tương ứng 42% số cổ phần, ông là Chủ tịch HĐQT của Quản lý Quỹ IB và CTCP FTG Việt Nam, vừa là Phó Chủ tịch HĐQT của CTCK IB. Như vậy hai cá nhân đại diện đến 64% số cổ phần lưu hành của SWC./.