10 chủ nợ của HAG đang trình phương án giải cứu lên NHNN

10 chủ nợ của HAG đang trình phương án giải cứu lên NHNN

Theo chia sẻ của Chủ tịch Trần Bắc Hà tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV (HOSE: BID), hiện cả 10 chủ nợ (ngân hàng đang cho vay) đối với CTCP Hoàng Anh Gia Lai – HAGL (HOSE: HAG) đã có văn bản đề xuất phương án hỗ trợ hoạt động, tái cơ cấu khoản vay và lãi phải trả của HAG gửi đến NHNN. Việc xem xét vấn đề này đã được thực hiện đến những khâu cuối cùng.

* Những nhà băng nào đang ôm đống nợ của HAG-HNG?

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của BIDV được tổ chức sáng ngày 24/04, một trong số những nội dung dành được sự quan tâm đặc biệt của cổ đông là tình hình dư nợ, khả năng thu hồi nợ gốc vay và lãi ngân hàng đối với HAG, bởi BIDV là một trong số những chủ nợ vay lớn nhất của doanh nghiệp này.

Hàng loạt các câu hỏi về tình hình dư nợ hiện tại, giá trị tài sản đảm bảo, khả năng thanh toán nợ gốc và lãi vay, dư nợ lãi phải thu trên BCTC của Ngân hàng đối với khoản vay của HAG, những thông tin liên quan đến vấn đề tái cơ cấu khoản vay dành cho HAG… đã được các cổ đông đưa ra.

Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Trần Bắc Hà cho biết, HAG là một trong các đơn vị trả lãi sòng phẳng trong 20 năm qua đối với BIDV. Dư nợ cho vay của HAG liên quan đến khoản vay của đơn vị này về các dự án sản xuất đường, cao su, cọ dầu dọc tuyến biên giới Việt Nam, Lào và Campuchia với diện tích ước tính khoảng 50,000 ha. Các dự án này đều đạt được sự đồng thuận từ các nước bạn. Lĩnh vực BĐS trước đây HAG có tham gia, tuy nhiên đến hiện tại đã rút gần hết và chỉ còn tập trung chính vào lĩnh vực nông nghiệp.

Thực tế, khó khăn của HAG về thanh khoản xuất hiện khi giá các sản phẩm như cao su, cọ dầu giảm mạnh trong bối cảnh giá các hàng hóa cơ bản đều giảm. Hiện tại, giá các mặt hàng này đều đã có phục hồi tích cực, do vậy triển vọng phục hồi của HAG cũng tốt hơn. Bên cạnh đó, với lượng tài sản như vậy, nếu bán đi toàn bộ thì HAG hoàn toàn có thể thanh toán hết các khoản nợ hiện tại, tuy nhiên, các dự án này liên hệ chặt chẽ tới an ninh quốc phòng do nằm chủ yếu tại biên giới 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia nên việc thực hiện bán các tài sản này sẽ ảnh hưởng đến tình hình tại biên giới 3 nước.

Thay vào đó, hiện tại 10 chủ nợ là các ngân hàng cho vay HAG đã thống nhất gửi văn bản lên NHNN đề xuất phương án hỗ trợ, tái cơ cấu nợ vay và lãi đối với HAG, thậm chí Thủ Tướng Lào cũng đã gửi công hàm đề xuất phương án hỗ trợ hoạt động của HAG lên Chính phủ. Hiện phương án đang được xem xét tại những khâu cuối cùng. Về nội dung cụ thể, Chủ tịch BIDV cho biết, do phương án vẫn đang được xem xét nên chưa thể công bố nội dung đến các cổ đông, khi được phê duyệt BIDV sẽ ngay lập tức trình cụ thể.

HAG đã xảy ra tình trạng chậm trả lãi

Liên quan đến tình hình dư nợ thực tế của HAG tại BIDV, Tổng Giám đốc Phan Đức Tú cho biết, dư nợ cho vay đối với HAG của BIDV là hơn 10,500 tỷ đồng, trong đó tài sản đảm bảo hơn 18,000 tỷ đồng, tương đương với hệ số an toàn là 1.8.

Chủ tịch Trần Bắc Hà thừa nhận HAG đúng là có chậm trả lãi do dòng tiền khó khăn từ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, đối với các câu hỏi cụ thể về tình hình cơ cấu các khoản nợ và lãi vay, quản lý sử dụng vốn vay, lãi dự thu hiện tại đối với các khoản nợ của HAG… không được Ban điều hành BIDV đưa ra các con số cụ thể. Thay vào đó, Chủ tịch đề nghị các cổ đông thông cảm với tình hình hiện tại của HAG thay vì chất vấn cụ thể.

Tính đến cuối năm 2015, theo báo cáo hợp nhất kiểm toán của HAG, Công ty đang có tổng vay nợ gần 27,100 tỷ đồng, đặc biệt là 8,297 tỷ đồng sẽ đến hạn thanh toán trong năm 2016. Trong đó chủ nợ là các ngân hàng chiếm 24,870 tỷ đồng, còn lại là trái phiếu phát hành cho tổ chức tài chính khác.

Trong số các chủ nợ, BIDV với dư nợ lớn nhất - hơn 10,600 tỷ đồng, bao gồm 1,870 tỷ cho vay ngắn hạn và 2,870 tỷ cho vay dài hạn (trong đó HNG vay 723 tỷ) và lượng lớn còn lại 5,900 tỷ đồng trái phiếu.

Phần lớn các khoản cho vay và phát hành trái phiếu của HAG cho BIDV đều có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, nhà xưởng, vườn cây… Riêng khoản trái phiếu 2,150 tỷ đồng phát hành 23/07/2015 với tài sản đảm bảo ngoài quyền thuê đất và tài sản gắn liền trên đất còn có gần 45 triệu cp HAG của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (tại thời điểm phát hành, giá cổ phiếu HAG ở mức 18,300 đồng/cp, hiện giá HAG rơi về gần ngưỡng 7,000 đồng/cp). Trong các khoản nợ liên quan đến BIDV, đáng chú ý còn có khoản trái phiếu 850 tỷ đồng do HAG phát hành để hoán đổi trái phiếu đáo hạn./.