BIDV sẽ "buông" BSI cho quỹ ngoại?

BIDV sẽ "buông" BSI cho quỹ ngoại?

ĐHĐCĐ thường niên 2016 sắp tới HĐQT CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BSI) sẽ trình phương án tăng vốn tối đa 63 triệu cp và ưu tiên phát hành cho các quỹ đầu tư nước ngoài. Với phương án tăng vốn này thì nhiều khả năng BIDV (cổ đông lớn sở hữu 88%) sẽ giảm sở hữu tại BSI xuống mức 51%.

Room cho nước ngoài là 49%, BIDV sẽ từng bước "buông" BSI?

Theo tờ trình cơ cấu vốn điều lệ, quy mô vốn điều lệ mục tiêu đến năm 2020 của BSI sẽ từ mức hiện tại 835 tỷ lên mức tối thiểu 1,500 tỷ đồng, tùy theo quy mô phát triển của TTCK có thể xem xét tăng vốn lên 2,000 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu vốn điều lệ giai đoạn từ 2016 - 2020 với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 49%.

Trong đó, phương án tăng vốn điều lệ năm 2016 của BSI là phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư tài chính hoặc phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Với phương án phát hành riêng lẻ, BSI dự kiến phát hành tối thiểu 13.5 triệu cp và tối đa là 63.5 triệu cp (tương đương 15.6% - 73.4% vốn điều lệ hiện tại) cho từ 1-3 nhà đầu tư tài chính, ưu tiên tổ chức là các quỹ đầu tư nước ngoài. Điều kiện đăng ký mua là mua tối thiểu 5% vốn điều lệ hiện tại của BSC. Thời gian hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.

Mức giá phát hành căn cứ theo thị giá cổ phiếu BSI nhưng không thấp hơn 10,000 đồng/cp (mức thị giá cổ phiếu BSI chốt phiên 04/04 là 9,600 đồng/cp). Dự kiến sau phát hành, đối tượng mua trong đợt chào bán riêng lẻ sẽ sở hữu từ 13.5% - 42.3% vốn điều lệ của BSI.

Theo BCTC kiểm toán năm 2015 của BSI, hiện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV đang là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu hơn 88% vốn điều lệ. Nếu phương án tăng vốn trên được thực hiện với việc phát hành riêng lẻ ở quy mô tối đa (63.5 triệu cp) và việc ưu tiên cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thì sở hữu của BIDV tại BSI sẽ giảm xuống mức 51%.

Tập trung tham gia thị trường chứng khoán phái sinh

Cũng theo tờ trình, BSI dự định sẽ tham gia thị trường chứng khoán phái sinh bao gồm tất cả các hoạt động gồm kinh doanh chứng khoán phái sinh (môi giới, tự doanh và tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh); cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh BSI, các khách hàng môi giới BSI và cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch cho các thành viên không bù và đăng ký làm thành viên tạo lập thị trường trên thị trường chứng khoán phái sinh.

Về kế hoạch kinh doanh cho năm 2016, BSI dự kiến đạt 330.4 tỷ đồng tổng doanh thu, giảm 29% so với thực hiện năm 2015. Lợi nhuận trước thuế dự kiến ước đạt 75 tỷ đồng, giảm hơn 26%. Cổ tức dự kiến tỷ lệ 5%.

Năm 2016, HĐQT BSI cho biết, lĩnh vực môi giới chịu áp lực cạnh tranh gay gắt và có sự phân hóa giữa các công ty hàng đầu, việc mở rộng khách hàng cá nhân ngày càng trở nên khó khăn. Trong khi đó, khả năng tìm kiếm khách hàng ngoài hệ thống BIDV còn hạn chế, các hợp đồng tư vấn còn chưa ổn định.

Kết thúc năm 2015, BSI đạt hơn 465 tỷ đồng tổng doanh thu, vượt 55% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế hơn 101 tỷ đồng, vượt hơn 3% kế hoạch, thị phần mối giới kết thúc năm 2015 đạt 3.87%. Với mức lợi nhuận như vậy, BSI đã xóa hết lỗ lũy kế hơn 97 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm, khoản mục lợi nhuận chưa phân phối tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2015 gần 3.5 tỷ đồng./.