ĐHĐCĐ Vinasun: Chấp nhận cuộc chơi với Uber và Grab

ĐHĐCĐ Vinasun: Chấp nhận cuộc chơi với Uber và Grab

Sức lan tỏa của Uber và Grab tại Việt Nam đã gây những áp lực không nhỏ lên hoạt động kinh doanh taxi của CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - VNS). Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào sáng ngày 22/04/2016, HĐQT VNS cho biết họ chấp nhận cuộc chơi với các đối thủ này và sẵn sàng để thay đổi.

Tại đại hội, HĐQT VNS cho biết công ty theo dõi hàng ngày hàng giờ và biết được sức ảnh hưởng của Grab và Uber đến hoạt động taxi của VNS. Với những khó khăn và thách thức mà VNS đang gặp phải, VNS không muốn ngồi yên mà sẽ tích cực hơn nữa để đổi mới và phát triển.

Theo HĐQT, hiện nay VNS chỉ có duy nhất một mô hình là kinh doanh xe, trong khi các đối thủ có nhiều phương thức kinh doanh khác nhau. Do đó, VNS sẽ thực hiện tái cơ cấu toàn công ty, thay đổi để không bị trói lại. VNS chấp nhận cuộc chơi với Uber và Grab và sẽ nghiên cứu những phương thức kinh doanh khác nhau tùy thuộc vào mỗi địa bàn kinh doanh.

Khi được hỏi về hiệu quả của Vinasun App, HĐQT cho biết Vinasun App đã nâng cao chất lượng dịch vụ lên rất nhiều. Trước khi có app (ứng dụng), lượng khách hàng bỏ quên đồ trên xe là hơn 700 khách, khi có app chỉ có hơn 80 khách hàng quên đồ trong tuần.

Mặt khác, Vinasun app cũng đã nâng cao hiệu quả đối với công tác quản trị. Tại mỗi thời điểm, HĐQT VNS có thể biết được ở Đà Nẵng bao nhiêu xe hoạt động, bao nhiêu xe đang có khách, đang nghỉ, thậm chí có thể biết được doanh số của một xe cụ thể. Như vậy, hiệu quả của app là khá đa dạng.


ĐHĐCĐ thường niên 2016 VNS diễn ra vào sáng ngày 22/04/2016

Đã đầu tư thêm cả ngàn xe mới trong năm 2015

Năm 2015, doanh thu thuần của VNS đạt 4,252 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước, và vượt 9% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 428 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ thanh lý xe và lợi nhuận khác là 145 tỷ đồng. Lãi ròng cả năm của VNS đạt 328 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2014 và vượt 23% so với kế hoạch.

Trong năm, Công ty mẹ VNS đã đầu tư 1,177 chiếc xe mới và thanh lý 805 xe, nâng số đầu xe lên 5,841 chiếc. Bên cạnh đó, công ty con là Vinasun Green đã đầu tư thêm 40 chiếc, nâng số xe lên 300 chiếc tại Đà Nẵng. Như vậy, đến cuối năm 2015, tổng số xe của VNS là 6,141 chiếc, tăng 7% so với đầu năm. Ngoài ra, Công ty đã thực hiện đầu tư triển khai phần mềm đặt xe - điều xe thông minh cho khách hàng thông qua smartphone và điện thoại thường (Vinasun App) cho toàn bộ xe hoạt động tại các tỉnh thành địa phương mà công ty kinh doanh.

Với kết quả đó, năm 2015 VNS thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20%. Công ty đã thực hiện chi trả đợt 1 với tỷ lệ 10% vào tháng 10/2015 và sẽ tiếp tục chi trả cổ tức đợt 2 trong thời gian tới.

Kế hoạch 2016 lãi ròng 264 tỷ đồng

Trong năm 2016, VNS có kế hoạch đầu tư thêm 1,150 chiếc xe và thanh lý 850 chiếc nhằm đảm bảo chất lượng xe phục vụ. Ngoài ra, VNS dự kiến triển khai gia tăng sử dụng thẻ thanh toán online trên tất cả các địa bàn, kết hợp với các ngân hàng và trung tâm thanh toán. VNS cũng sẽ khai thác thế mạnh của hệ thống tổng đài, kết nối tính năng hiện có với hệ thống phần mềm mới, nâng khả năng tiếp nhận và xử lý của tổng đài lên 60,000 cuộc gọi/ngày.

Với kế hoạch đó, VNS đặt ra chỉ tiêu tổng doanh thu kinh doanh là 4,325 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2015. Cụ thể, doanh thu bình quân là 2,090,000 đồng/xe/ca đối với công ty mẹ, và giá cước bình quân là 15,000 đồng/km. Thu nhập từ thanh lý và thu nhập khác là 170 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 264 tỷ đồng. Năm 2016, VNS dự kiến sẽ chi trả cổ tức 20% bằng cổ phiếu.

Tuy nhiên, tại đại hội, Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI cho rằng kế hoạch kinh doanh mà VNS đưa ra là không tương ứng với khả năng của công ty. Tuy Quản lý Quỹ SSI đánh giá môi trường đầu tư khó khăn nhưng không phải là bi quan, ảnh hưởng của Uber hay Grab sẽ không gây áp lực quá lớn lên công ty. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý 1 của Công ty khá khả quan. Theo đó, SSI cho rằng VNS có thể nâng kế hoạch doanh thu lên 4,500-4,600 tỷ đồng.

Trả lời thắc mắc của cổ đông, HĐQT VNS cho biết, kết quả kinh doanh quý 1 đã được công bố tuy nhiên đây là quý có kết quả hoạt động kinh doanh tốt nhất bởi mùa cao điểm do trúng dịp lễ Tết. VNS đã đo lường điểm rơi của doanh thu. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý 1 mới chỉ đạt 26% kế hoạch doanh thu cả năm trong khi các yếu tố khác sẽ biến động như chi phí gia tăng, giá cước sẽ giảm 1,000 đồng/km. Trong năm 2016, VNS cũng sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ khác nên không thể lúc nào cũng đặt ra chỉ tiêu là năm nay phải cao hơn năm trước.

Không nới room ngoại, phát hành cổ phiếu ESOP

Khi có cổ đông thắc mắc về kế hoạch nới room của VNS, HĐQT VNS cho biết công ty không có ý định nới room trong thời gian tới. Được biết, đến ngày 28/03/2016, hơn 47% vốn của VNS được nắm giữ bởi cổ đông tổ chức nước ngoài, và hơn 30% được nắm giữ bởi các cổ đông nội bộ của công ty.

Ngoài ra, trong năm 2016, công ty sẽ phát hành 1.2 cổ phiếu ESOP cho ban điều hành và cán bộ nhân viên chủ chốt với giá phát hành 10,000 đồng/cp tương ứng tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 12 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện phát hành là quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận để lại chưa phân phối. Trong đó, 50% số lượng cổ phiếu ESOP được tự do chuyển nhượng sau 3 năm kể từ ngày phát hành và 50% sẽ được tự do chuyển nhượng sau 5 năm./.