Vì sao Bank of America cấm nhân viên dùng từ “Brexit”?

Vì sao Bank of America cấm nhân viên dùng từ “Brexit”?

Ngân hàng Bank of America (BofA) của Mỹ đã cảnh báo các nhân viên cấp cao của mình không được dùng từ “Brexit” khi nói chuyện với khách hàng vì ngân hàng này đang cố tránh không dính dáng gì đến cuộc tranh luận dữ dội về vấn đề đi hay ở của Anh tại Liên minh Châu Âu (EU), CNBC cho biết.

 

Tuần trước, BofA đã yêu cầu các quản lý “không được cung cấp ý kiến, không được gây ảnh hưởng lên cử tri, không được giả định một kết quả đặc biệt và không được tham gia vào chiến dịch” trong khoảng thời gian từ đây cho đến đợt bỏ phiếu vào ngày 23/06 tới để quyết định xem nước Anh có nên rời khỏi EU hay không.

Ngân hàng này cũng đã thay đổi quyết định của mình về chuyện tham gia vào vấn đề tài chính. Hồi tháng 2, BofA lên kế hoạch tặng gần 100,000 bảng Anh cho chiến dịch vận động nước Anh ở lại EU, “nhưng giờ đây họ đã thay đổi quyết định đó,” ba nhân vật nắm rõ tình hình cho biết.

Một người trong số đó cho biết lời khuyên của ngân hàng “không phải có mục đích ngăn cản quyền phát biểu hay kiểm soát nhân viên”, mà là để tránh sự chú ý của công chúng và nhằm tôn trọng luật bầu cử của nước Anh.

BofA đã từ chối đưa ra lời bình luận về vấn đề này.

Giống như nhiều ngân hàng khác ở Mỹ, BofA cũng có trụ sở ở Luân Đôn để phục vụ các hoạt động tại châu Âu và có thể họ phải suy nghĩ lại về những kế hoạch của mình nếu các tổ chức tài chính Anh không còn đủ tư cách để thiết lập văn phòng, cung cấp dịch vụ hay giao dịch trong phạm vi 27 quốc gia châu Âu.

Một nhân vật khác am hiểu hướng dẫn trên cho biết ngân hàng này lo ngại rằng bản thân từ “Brexit” đã ngầm ngụ ý một sự thiên vị đối với việc Anh sẽ bỏ phiếu chọn cách rời khỏi EU.

Lập trường của BofA khá tương phản với nhiều đối thủ đến từ Mỹ của họ. Đầu năm nay, tạp chí Financial Times (FT) cho biết Goldman Sachs đã tặng 500,000 Bảng cho chiến dịch “Mạnh mẽ hơn ở châu Âu”, trong khi JPMorgan Chase và Morgan Stanley cũng đang lên kế hoạch đóng góp.

Cho đến nay, các ngân hàng Mỹ đã tỏ ra thẳng thắn hơn về vấn đề này so với các đối thủ đến từ châu Âu, một phần là vì họ cảm thấy mình sẽ bị thiệt nhiều nhất.

Các ngân hàng Anh thì sợ làm phật ý khách hàng ở cả phe ủng hộ lẫn phản đối chuyện “Brexit”, trong khi các tổ chức có trụ sở chính ở khu vực đồng tiền chung euro lại có thể di chuyển doanh nghiệp của mình từ Luân Đôn về đất nước họ dễ dàng hơn trong trường hợp nước Anh chọn cách ra đi.

Một số quản lý cao cấp của BofA đã thẳng thắn bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với việc Anh vẫn tiếp tục là thành viên EU.

Alex Wilmot-Sitwell, Trưởng nhóm quản lý cấp cao tại khu vực châu Âu của BofA, hồi tháng 2 có chia sẻ với FT rằng vị thế trung tâm tài chính của Luân Đôn sẽ dần dần biến mất nếu nước Anh rời khỏi EU. “Một lượng giao dịch tài chính quan trọng hiện tại ở Luân Đôn sẽ mất đi nếu Anh rời khỏi EU. Điều đó sẽ không xảy ra ngay, nhưng dần dần nó sẽ chia nhỏ ra khắp EU,” ông nói.

Trong báo cáo công bố hồi tháng 10 năm ngoái về đề tài này, một nhóm chuyên gia phân tích nghiên cứu của BofA cũng cảnh báo về những hậu quả xấu có thể xảy ra nếu Anh rút khỏi EU, và họ đã dùng từ “Brexit” đến 25 lần.

Báo cáo viết: “Nếu một quốc gia có (hoặc không có) thâm hụt tài khoản vãng lai lớn làm hỏng các mối quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất, làm giảm đi sự ảnh hưởng tiềm năng của mình trên thế giới, và làm tăng khả năng thay đổi liên tục về chính trị trong khu vực thì điều đó là tốt với người tiêu dùng, công nhân, công ty và các thị trường sao? Chúng tôi cho là không”./.