ĐHĐCĐ NOS: Lao đao vì nợ vay, phối hợp Ngân hàng tìm lối thoát

ĐHĐCĐ NOS: Lao đao vì nợ vay, phối hợp Ngân hàng tìm lối thoát

Sáng ngày 25/05, CTCP Vận Tải Biển Bắc (UPCoM: NOS) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2016, trong đó tâm điểm chủ yếu xoay quanh vấn đề tái cơ cấu các khoản nợ vay, tìm phương hướng để cải thiện và lành mạnh hóa tài chính của Công ty.

ĐHĐCĐ thường niên NOS diễn ra sáng ngày 25/05

Áp lực nợ vay nặng nề

Điểm lại kết quả năm 2015, NOS đạt doanh thu 296.5 tỷ đồng, vượt kế hoạch hơn 10%. Tuy nhiên, Công ty vẫn ghi nhận khoản lỗ trước thuế tới gần 578 tỷ đồng, trong khi chỉ tiêu đặt ra chỉ lỗ 488 tỷ đồng. Theo đó, khoản lỗ lũy kế của NOS chạm mức 3,067 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ghi âm hơn 2,808 tỷ đồng.

Trong năm 2015, công ty đã tiến hành bán tàu Ngọc Hà để xử lý nợ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với giá bán là 18.5 tỷ đồng, trả dư nợ ngân hàng 16 tỷ đồng. Tàu Ngọc Hà đã được neo đậu từ hồi tháng 4/2014 để thực hiện thu hồi và xử lý nợ, theo yêu cầu của VDB nhưng phải đến khi Ban lãnh đạo mới của Công ty nhập cuộc thì vấn đề mới được giải quyết dứt điểm.

Tính đến hết quý 1/2016, tổng nợ vay tài chính của NOS ghi nhận con số 3,626 tỷ đồng, chiếm 67% khoản nợ phải trả của Công ty. Trong đó, vay nợ thuê tài chính ngắn hạn của NOS ở mức 1,491 tỷ đồng, vay nợ thuê tài chính dài hạn vẫn ở mức 2,134 tỷ đồng.

Trước tình hình tài chính khó khăn của Công ty, tại Đại hội cổ đông đã chất vấn Ban lãnh đạo về việc Công ty có tính đến việc phá sản không? Và liệu rằng nếu bán hết tất cả 7 tàu còn lại thì có đủ để trả hết nợ vay không?

Giải đáp thắc mắc của cổ đông, ông Trịnh Hữu Lương - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của NOS cho biết, nếu theo luật thì NOS đã đáp ứng đủ điều kiện để có thể làm thủ tục phá sản. Tuy nhiên, hiện nay ý kiến từ phía các Ngân hàng chủ nợ đều muốn phối hợp, hỗ trợ để tình hình Công ty trở nên tốt lên. Một phần vì lý do, cho dù bán hết 7 tàu đang có thì NOS cũng không thể trả hết nợ. Một ví dụ như tàu Nosco Glory có dư nợ 66 triệu USD nhưng định giá bán chỉ được hơn 1.9 - 2 triệu USD. Một tàu khác là Nosco Victory (hiện đã có yêu cầu của 3 Ngân hàng mong muốn có thể bán trong tháng 7/2016) được định giá khoảng 2.1- 2.3 triệu USD, trong khi dư nợ tới 52 triệu USD.

Hiện nay, NOS vẫn đang làm việc, bàn bạc với một số ngân hàng như Agribank, Vietinbank… để cơ cấu nợ, bán khoản nợ để xóa gốc, lãi vay nhằm làm lành mạnh hóa tài chính của Công ty.

Thu hồi vốn tại Công ty con và đưa nhà máy 5,000 tỷ đồng vào hoạt động

Tại Đại hội, một cổ đông cũng đã có câu hỏi về tình hình hoạt động và hiệu quả của các công ty con của NOS, trong đó có CTCP Sửa chữa tàu biển Nosco – Vinaline?

Trả lời cổ đông, ông Lương cho biết, vào tháng 5/2016, NOS đã thu hồi toàn bộ vốn ở Công ty Xí nghiệp sửa chữa và đóng tàu tại Từ Liêm, do đơn vị này đã ngừng hoạt động 5 năm nay. Một công ty con khác là Nosco Đông Phong, do thị trường suy thoái nên toàn bộ các hoạt động đóng tàu tại các tỉnh đã bị dừng hết, dẫn đến các đơn hàng xuất nhập khẩu của Công ty đã bị hủy, khiến mất rất nhiều tiền đặt cọc. Vì thế năm 2016, HĐQT cũng dự kiến trình cổ đông thu hồi vốn tại Nosco Đông Phong.

Đối với CTCP Sửa chữa tàu biển Nosco – Vinaline, đây là Công ty có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, được NOS thành lập để đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Nosco – Vinaline từ năm 2009 (với tổng mức đầu tư 5,000 tỷ đồng). Tuy nhiên, khi thị trường vận tải suy thoái, Công ty đã phải bán quyền góp vốn và hợp tác với đối tác để hoàn thành dự án. Hiện nay, NOS đang sở hữu 19.2% vốn, đối tác Singapore sở hữu 40% vốn, phần sở hữu còn lại thuộc các CB- CNV và cổ đông khác. Ban lãnh đạo chia sẻ, cùng ngày diễn ra ĐHĐCĐ, nhà máy trên cũng được khánh thành và đưa vào hoạt động với các kỹ sư,nhân viên nước ngoài từ phía đối tác Singapore, NOS sẽ cử cán bộ tham gia vào HĐQT.

Kế hoạch 2016, doanh thu giảm 44%, lỗ trước thuế hơn 447 tỷ đồng

Năm 2016, Công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt hơn 167 tỷ đồng, tương đương 56% thực hiện năm 2015. Lợi nhuận trước thuế dự kiến ghi âm hơn 447 tỷ đồng (năm trước, lỗ gần 578 tỷ đồng).

Trước những kế hoạch mà Ban lãnh đạo NOS đặt ra, ông Bùi Việt Hoài - đại diện Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) - hiện nắm giữ 49% vốn của NOS, đã có những ý kiến đóng góp về các vấn đề Công ty phải đối mặt và hướng giải quyết thời gian tới. Trong đó, ông Hoài đề xuất cần đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu nợ vay, nhằm làm “trong sạch” tài chính của Công ty.

Bên cạnh đó, ông Hoài cũng đề cập đến việc chi phí sửa chữa vật tư đoàn tàu biển hiện đang ở mức cao, là một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền hoạt động kinh doanh liên tục âm. Do đó, ban lãnh đạo cần phải kiểm soát hoạt động sửa chữa vật tư theo quy trình khép kín, quyết liệt cắt giảm chi phí, xây dựng định mức hợp lý, từ đó cải thiện được kết quả kinh doanh. Đồng thời, ông Hoài cũng đề xuất cần phải tái cơ cấu lại bộ máy tổ chức của Công ty, theo hướng tinh gọn, nhắm nâng cao mức lương của công nhân viên, tăng năng suất lao động của toàn Công ty.

Cuối cùng, Đại hội đã thông qua việc bầu Ban lãnh đạo nhiệm kỳ 2016 - 2021, gồm HĐQT với 5 thành viên và BKS với 3 thành viên.

Cụ thể, thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016 - 2021 gồm:

-       Ông Trịnh Hữu Lương (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ, người đại diện 25% vốn của Vinalines)

-       Ông Đỗ Tuấn Nam (Người đại diện 12% vốn của Vinalines)

-        Bà Phạm Thị Anh Thư (Người đại diện 12% vốn của Vinalines)

-       Ông Mai Tiến Khanh (Phó TGĐ NOS)

-       Ông Trần Quang Toàn (Phó TGĐ NOS)

Thành viên BKS nhiệm kỳ 2016 - 2021 gồm:

-       Bà Lê Thị Thúy

-       Ông Đồng Xuân Khanh

-       Bà Dương Thị Hồng Hạnh