IMF: Việt Nam sẽ nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á

IMF: Việt Nam sẽ nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á

IMF cho rằng các nền kinh tế châu Á sẽ chiếm phần lớn tăng trưởng toàn cầu

IMF kỳ vọng Việt Nam sẽ nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á với mức tăng trưởng ước tính 6.3% trong năm nay.

WB: Việt Nam và Philippines có triển vọng tăng trưởng mạnh nhất Đông Á

 

Các nền kinh tế châu Á có thể đã “chững lại” bởi đà giảm tốc của Trung Quốc nhưng vẫn là một trong những nguồn động lực to lớn cho đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, IMF nhận định trong báo cáo công bố hôm 02/05.

“Châu Á đang bị tác động bởi đà phục hồi vẫn còn yếu kém của nền kinh tế toàn cầu và quá trình tái cân bằng đang diễn ra và rất cần thiết tại Trung Quốc”, Changyong Rhee, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhận định trong thông báo được CNBC đưa tin.

“Tuy nhiên, nhu cầu nội địa trên khắp khu vực vẫn còn rất khả quan nhờ thu nhập thực ngày càng cao, đặc biệt là tại các nước nhập khẩu hàng hóa, và các chính sách vĩ mô mang tính hỗ trợ tại nhiều quốc gia”.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Khu vực, IMF cho biết khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể tăng trưởng mạnh với tốc độ 5.3% trong năm nay, tức chiếm gần 2/3 tăng trưởng toàn cầu. Dù vậy, kết quả này vẫn đánh dấu sự suy yếu so với đà tăng trưởng 5.4% trong năm ngoái.

IMF dự báo Ấn Độ sẽ vẫn là nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với mức mở rộng 7.5% cho cả năm nay và năm tới nhờ được hưởng lợi từ giá dầu thấp. Được biết, trong năm ngoái, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 7.3%.

IMF kỳ vọng Việt Nam sẽ nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, trong khi nhu cầu nội địa tại Philippines và Malaysia sẽ tiếp tục khả quan. IMF dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6.3% trong năm nay, có phần thấp hơn so mức 6.7% trong năm ngoái.

IMF dự báo tăng trưởng của Malaysia cũng sẽ giảm tốc về mức 4.4% trong năm nay từ mức 5% trong năm ngoái; trong khi kinh tế Philippines sẽ mở rộng 6% trong năm nay, cao hơn so mức 5.8% trong năm trước.

IMF lưu ý các rủi ro đối với khu vực này ngày càng xuất hiện rõ rệt, từ đà tăng trưởng ngày càng suy yếu tại các thị trường phát triển và thương mại toàn cầu ảm đạm, đến giá hàng hóa thấp và nợ trong nước cao tại một số quốc gia.

Tại cuộc họp báo ngày thứ Ba, ông Changyong Rhee cho biết sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, châu Á phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách tài khóa và hiện các mức đòn bẩy tại khu vực đã nghiêm trọng hơn nhiều so với tại các khu vực khác, đặc biệt là các mức nợ doanh nghiệp và hộ gia đình.

Đồng thời, ông cũng lưu ý rằng mức lợi nhuận của các doanh nghiệp tại châu Á là tương đối thấp, khiến các doanh nghiệp có nguy cơ bị tác động mạnh nếu vấn đề này không được giải quyết một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên trong báo cáo, IMF cho rằng kết quả sẽ tích cực hơn so với dự báo của tổ chức này.

“Giá hàng hóa thấp có thể là một động lực lớn hơn so với dự báo đối với các nền kinh tế khu vực; và các thỏa thuận thương mại đa phương, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), có thể đem lại lợi ích cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương thậm chí trước khi hiệp định này được phê chuẩn”, IMF cho biết.

Thế nhưng, triển vọng đối với mỗi quốc gia là khác nhau.

IMF dự báo Trung Quốc có thể chứng kiến tăng trưởng kinh tế suy yếu về mức 6.5% trong năm nay và 6.2% trong năm 2017, tức mức 6.9% trong năm ngoái. Tuy nhiên, IMF cũng lưu ý rằng không phải tất cả các tác động từ nền kinh tế Trung Quốc đối với khu vực đều tiêu cực.

Trong buổi họp báo ngày thứ Ba, ông Rhee cho biết các quốc gia như New Zealand và Ấn Độ, vốn bán các hàng hóa tiêu dùng, có thể được hưởng lợi trong khi các quốc gia như Hàn Quốc và Thái Lan, vốn bán các nguyên vật liệu đầu tư hay làm trung gian, có thể đối mặt với trở ngại.

Cũng theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản sẽ chứng kiến sự giảm tốc đáng kể trong thời gian tới. Mặc dù GDP của Nhật Bản được dự báo ở mức 5% trong năm nay, khớp với mức trong năm ngoái, nhưng IMF ước tính sẽ suy giảm về mức 0.1% trong năm 2017 do kỳ vọng thuế tiêu thụ sẽ gia tăng vào năm tới. Ngoài ra, ông còn bày tỏ lo ngại về nợ công, hiện đã vượt quá 200% GDP, của Nhật Bản./.