Không có Vinamilk hay Nhựa Tiền Phong trong danh sách thoái vốn 2016 của SCIC

Không có Vinamilk hay Nhựa Tiền Phong trong danh sách thoái vốn 2016 của SCIC

Chỉ có 2 trên tổng số 10 doanh nghiệp mà Chính phủ yêu cầu SCIC xây dựng lộ trình thoái vốn sẽ được thực hiện trong năm 2016.

Đầu tháng 10/2015, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) xây dựng lộ trình bán hết vốn tại 10 doanh nghiệp lớn, nơi Nhà nước đang nắm giữ phần vốn tương đương khoảng 3 tỷ USD.

Theo danh mục triển khai bán vốn năm 2016 của SCIC căn cứ theo quyết định của HĐQT và TGĐ, đơn vị này sẽ thực hiện thoái vốn tại 120 doanh nghiệp. Trong đó, đáng chú ý là chỉ có 2/10 doanh nghiệp lớn mà Chính phủ yêu cầu thoái vốn có tên trong danh sách, bao gồm: CTCP FPT (HOSE: FPT) và CTCP XNK Sa Giang (HNX: SGC). Được biết, tính tới thời điểm cuối năm 2015, SCIC đang sở hữu gần 24 triệu cp của FPT (tương đương tỷ lệ 6%) và gần 4 triệu cp SGC (tương đương tỷ lệ 50%).

Như vậy, SCIC sẽ tiếp tục nắm giữ 8/10 doanh nghiệp lớn ít nhất là trong năm nay, bao gồm:

  1. Tổng CTCP Bảo Minh (BMI): 51% (tỷ lệ sở hữu của SCIC tại 31/12/2015)
  2. Công ty Viễn thông FPT (FPT Telecom): 50%
  3. Công ty Hạ tầng và BĐS Việt Nam - VIID: 48%
  4. Công ty Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM): 47%
  5. CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM): 45%
  6. Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia (VNR): 40%
  7. CTCTP Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP): 37%
  8. CTCP Nhựa Bình Minh (BMP): 30%

Trong đó, đáng chú ý là trường hợp của Vinamilk (HOSE: VNM) và Nhựa Thiếu niên Tiền phong (HNX: NTP). Trong kỳ ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 vừa qua, HĐQT NTP đã nâng mức cổ tức thêm 25% bằng cổ phiếu theo ý kiến của SCIC, trong khi VNM đề xuất mức cổ tức năm 2015 cao nhất kể từ khi niêm yết. Cả 2 động thái này làm dấy lên nghi ngờ về việc SCIC đang tận thu những "con gà để trứng vàng" trước khi thoái vốn.

Cũng trong năm 2016, SCIC sẽ tiếp tục thực hiện thoái vốn tại một số doanh nghiệp có tên trong kế hoạch năm 2015 nhưng chưa thoái thành công như Tổng CTCP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam - Vinaconex - VCG (255 triệu cp, tương đương 58% vốn), CTCP Vĩnh Sơn Sông Hinh - VSH (49.5 triệu cp, tương đương 24% vốn)...

* Danh mục triển khai bán vốn năm 2016 của SCIC: DN ban von cua SCIC.pdf

Tính đến thời điểm 31/12/2015, SCIC đang sở hữu vốn nhà nước tại 197 doanh nghiệp với tổng giá trị tính theo mệnh giá đạt hơn 19,700 tỷ đồng. Trong danh sách này, đứng đầu về giá trị tính theo mệnh giá là CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (tỷ lệ 45%, tương đương giá trị theo mệnh giá là 5,410.5 tỷ đồng), tiếp sau là Tổng CTCP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam - Vinaconex (58% - 2,552 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Quân Đội - MBB (10% - 1,600 tỷ đồng), CTCP Giang thép Thái Nguyên - TIS (35% - 1,000 tỷ đồng)./.