Luân Đôn sẽ không còn là “thiên đường” để giấu tiền?

Luân Đôn sẽ không còn là “thiên đường” để giấu tiền?

Giới rửa tiền, các quan chức tham nhũng nước ngoài và những người nổi tiếng muốn giấu tiền ở Luân Đôn sẽ vất vả hơn nhiều trong thời gian tới.

* Toàn cảnh về "Hồ sơ Panama"

 

Hôm thứ Năm vừa qua, Chính phủ Anh cho biết họ đã lên kế hoạch để bắt buộc các công ty offshore (tạm gọi là công ty hải ngoại) có sở hữu tài sản ở Anh phải tiết lộ chủ nhân thật sự của chúng.

Những quy định mới này được đưa ra nhằm ngăn chặn nạn tham nhũng, rửa tiền, và đã được các nhà hoạt động chào đón nhiệt liệt.

“Đây là một bước quan trọng tiến tới sự minh bạch, không có lý do kinh tế hợp pháp nào dành cho sự bí mật”, luật sư và thành viên ban quản trị của Tổ chức Minh bạch nước Anh, lên tiếng.

Tuy nhiên, sự thay đổi đó cũng sẽ ảnh hưởng đến những người có thể có lý do hợp pháp để tránh sự chú ý của công chúng, chẳng hạn như để bảo vệ sự riêng tư của họ.

"Emma Watson là một ví dụ điển hình. Cô ấy có quyền được riêng tư, nhưng nhìn chung, nếu bạn nhìn vào cán cân rủi ro thì nhu cầu cho sự minh bạch vẫn nhiều hơn các vấn đề riêng tư này”, ông Bowes nói.

Tuần trước, nữ diễn viên trong bộ phim Harry Porter cho biết cô đã thành lập một công ty offshore ở Quần đảo Virgin thuộc Anh để bảo vệ sự an toàn của mình. Trong dữ liệu “Hồ sơ Panama” vừa được công bố, mọi người cũng thấy có tên của nữ diên viên trẻ tài năng này.

Dữ liệu cho biết Watson đã mua một ngôi nhà ở Luân Đôn thông qua công ty offshore này để giữ sự riêng tư và bảo vệ mình khỏi những kẻ “nhòm ngó”.

Mua bất động sản trực tiếp hay thông qua một công ty có trụ sở tại Anh nghĩa là thông tin về người sở hữu sẽ được tiết lộ cho công chúng. Theo quy định mới, tên của cô vẫn sẽ bị tiết lộ, mặc dù cô đã sử dụng một công ty offshore.

Không giống như những công ty ở Anh, các công ty nước ngoài hiện không bị đòi hỏi phải tiết lộ thông tin về cơ cấu sở hữu.

Và vì chúng thuộc quyền xét xử ở nước ngoài nên Chính phủ và các cơ quan thuế khó mà tìm ra được chủ nhân thật sự của nguồn tiền để mua các tài sản ở Anh. Chính phủ Anh không thể bắt buộc các quốc gia khác thay đổi luật, nhưng họ có thể ngăn các công ty ẩn danh đầu tư vào thị trường bất động sản đang bùng nổ ở quốc gia này.

“Chúng tôi biết một số bất động sản có giá trị cao, đặc biệt là ở Luân Đôn, đang được những người nước ngoài mua thông qua những công ty vỏ bọc ẩn danh, và một vài trong số đó được mua bằng nguồn tiền ‘ăn cắp’ hoặc để rửa tiền”, Thủ tướng Anh, David Cameron, lên tiếng.

Việc đăng ký mới các công ty nước ngoài sẽ khiến cho các cá nhân và chính quyền tham nhũng không còn có thể di chuyển, rửa và giấu những nguồn tiền bất chính vào thị trường bất động sản Luân Đôn.

Theo Chính phủ Anh, các công ty nước ngoài hiện đã sở hữu khoảng 100,000 bất động sản ở Anh và xứ Wales, và 44,000 trong số đó là ở Luân Đôn.

“Dĩ nhiên là chúng tôi sẽ thảo luận về số tiền bất hợp pháp trị giá đến hàng trăm triệu bảng Anh đang kiếm đường vào thị trường bất động sản Luân Đôn và những nơi khác”, Bowes cho biết./.