Thuế đang “ăn” hết lợi nhuận của doanh nghiệp bán lẻ

Thuế đang “ăn” hết lợi nhuận của doanh nghiệp bán lẻ

Theo PGS.TS. Nguyễn Thừa Lộc (ĐH Kinh tế Quốc dân), thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2008 từng được xếp hạng hấp dẫn nhất thế giới, sau đó “văng” ra khỏi top 30. Năm 2015 xếp thứ 41/50 quốc gia và nằm trong top 10 thị trường bán lẻ kém hấp dẫn các nhà đầu tư thế giới.

Tại hội thảo “Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cơ hội và Thách thức” tổ chức sáng 18.5, ông Lộc cho rằng, tuyệt đại bộ phận các doanh nghiệp hoạt động trong bản lẻ là siêu nhỏ. Do mải mê đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, kinh tế tư nhân trong nước nói chung và doanh nghiệp siêu nhỏ nói riêng, hầu như bị “bỏ rơi”, gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh.

Về tiếp cận với nguồn vốn, ngay doanh nghiệp bán lẻ lớn như Saigon Coop chỉ có 1.000 tỉ đồng vốn tự có, chỉ đủ 15 - 20% nhu cầu kinh doanh, còn lại phải đi vay. Mà lãi suất cho vay ở Việt Nam vẫn ở mức từ 7% - 11 %/năm, là gấp 2 - 3 lần so với các mức lãi suất của các nước khác trong khu vực (như Philippines là 2,2%/năm; Malaysia là 2,1%/năm). "Với mức lãi suất đắt đỏ như vậy, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước khác" - ông Lộc nhận định.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), tổng mức thuế của Việt Nam là 40,8%. Tỷ trọng thuế trên lợi nhuận mà doanh nghiệp Việt Nam phải nộp cao hơn rất nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, tỉ lệ này tại Singapore là 18,4%, Thái Lan cũng chỉ khoảng 27,5%, Campuchia 21%, Indonesia 29,7%... Hàn Quốc là nước phát triển và có cách tính thuế phức tạp nhưng tổng thu thuế cũng chỉ chiếm 33% lợi nhuận của doanh nghiệp. Với tỷ lệ này, thuế “ăn” hết lợi nhuận của doanh nghiệp, không thể còn nguồn để đầu tư tái mở rộng kinh doanh, khó có thể có nguồn lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Ngoài ra, ông Lộc nhận định, chi phí bôi trơn ngày càng lớn. Mặc dù nhà nước nỗ lực để cắt giảm chi phí không chính thức nhưng trong năm 2015, qua điều tra 12.000 doanh nghiệp trong cả nước cho thấy, chi phí này không hề giảm và đây là xu hướng đáng lo ngại cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Có 62% doanh nghiệp siêu nhỏ, 68% doanh nghiệp nhỏ đánh giá hiện tượng chi trả chi phí không chính thức là thường xuyên. Với các doanh nghiệp có qui mô vừa và lớn thì con số này còn cao hơn, lần lượt là 70% và 69%. Qui mô của các khoản chi phí này đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ là tương đối lớn, chiếm 10% doanh thu.

Sáng 18.5, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với một số cơ quan liên quan tổ chức hội thảo “Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cơ hội và Thách thức”.

Ngoài ra, hàng lậu, hàng giả tràn lan trên thị trường chưa được giải quyết một cách cơ bản, người làm ăn nghiêm túc thường thiệt thòi, trong khi gian thương thu lợi bất chính. Các vụ xử lý của các cơ quan chức năng mới chỉ chạm đến phần nổi của tảng băng chìm buôn lậu và gian lận thương mại. Các chi phí về logictis, làm thủ tục hải quan còn tốn thời gian và chi phí cao hơn các nước khác trong khu vực.

Đối với các siêu thị trong nước như Hapro còn chịu thêm những chi phí cho các hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị như phục vụ thị trường nông thôn, chống bão lụt… những hoạt động này nếu không có sự hỗ trợ hợp lý của các địa phương thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị lỗ hoặc không có lợi nhuận cho những chuyến hàng đó.

Trước nhiều ý kiến lo ngại việc DN ngoại thâu tóm thị trường bán lẻ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, để thúc đẩy hệ thống phân phối nội địa, nhà nước cần phải có ưu đãi về vị trí mặt bằng, vốn vay… Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thẳng thắn nêu lên thực tế, có nhiều nhà bán lẻ trong nước đã nhận được rất nhiều ưu đãi của nhà nước và phát triển lớn mạnh, sau đó lại tự đi bán mình cho các nhà bán lẻ quốc tế.

K.Linh

Lao động