TPBank là mục tiêu tấn công thông qua phần mềm chuyển tiền của SWIFT

TPBank là mục tiêu tấn công thông qua phần mềm chuyển tiền của SWIFT

Thông tin được Reuters đưa ra hôm Chủ Nhật (15/05) cho biết, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã ngăn chặn một vụ cướp có liên quan đến cơ chế tấn công vào các tin nhắn của hệ thống chuyển tiền SWIFT, kỹ thuật tương tự được sử dụng trong vụ cướp từ NHTW Bangladesh trong tháng 2/2016.

Một NHTM Việt Nam là “nạn nhân” cuộc tấn công bằng phần mềm vào hệ thống SWIFT?

Theo Reuters, trong quý 4/2015, TPBank đã xác định được một số yêu cầu đáng ngờ thông qua các tin nhắn của hệ thống chuyển tiền SWIFT nhằm chuyển hơn 1 triệu Euro (khoảng 1.1 triệu USD). Ngân hàng này cho biết đã nhanh chóng nhận ra các yêu cầu đáng ngờ và ngăn chặn việc chuyển tiền của bọn tội phạm bằng cách liên hệ với các bên có liên quan.

"Vụ tấn công không gây ra bất kỳ thiệt hại nào. Nó không hề tác động đến hệ thống của SWIFT nói riêng và hệ thống giao dịch giữa ngân hàng với khách hàng nói chung", thông cáo của TPBank cho biết.

TPBank cũng cho biết, việc chuyển tiền của bọn tội phạm được thực hiện bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng của một nhà cung cấp thuê ngoài được kết nối với hệ thống tin nhắn chuyển tiền SWIFT của Ngân hàng. Tuy nhiên, theo Reuters, thông cáo của TPBank không nêu rõ tên nhà cung cấp dịch vụ, mặc dù Ngân hàng này cho biết đã dừng kết nối với nhà cung cấp đó và chuyển sang sử dụng một hệ thống mới cung cấp có mức độ bảo mật cao hơn và cho phép kết nối trực tiếp với SWIFT.

SWIFT, được coi là "xương sống" của hệ thống giao dịch tài chính toàn cầu, đã từ chối bình luận về thông cáo của TPBank. Hôm thứ Năm tuần trước (12/05), đơn vị này cho biết một NHTM không rõ tên đã trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại vào hệ thống chuyển tiền SWIFT tương tự như cuộc tấn công vào NHTW Bangladesh.

Hiện vẫn chưa rõ SWIFT nhận biết về vụ tấn công tại TPBank khi nào và liệu tổ chức này có bất kỳ hành động nào để ngăn chặn các cuộc tấn công tương tự hoặc cảnh báo các khách hàng khác.

Trong tháng 2/2016, các tin tặc đã cố gắng để cướp gần 1 tỷ USD từ tài khoản của NHTW Bangladesh tại Cục Dự trữ Liên bang New York thông qua việc sử dụng các tin nhắn chuyển tiền gian lận trên hệ thống SWIFT. Hầu hết các lệnh chuyển tiền đã bị chặn lại nhưng vẫn có 81 triệu USD đã được chuyển vào các tài khoản tại Philippines. Số tiền này đã được chuyển đến các sòng bạc và các đại lý Casino, hầu hết đến hiện tại vẫn chưa được tìm thấy./,

Theo giới thiệu trên website của TPBank, Ngân hàng được đầu tư bởi 05 cổ đông lớn trong lĩnh vực Tài chính, Công nghệ thông tin, và Dịch vụ viễn thông là Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji, Công ty cổ phần FPT, Công ty thông tin di động VMS (MobiFone), Tổng công ty cổ phần tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare) và Tập đoàn tài chính SBI Ven Holding Pte.Ltd Singapore.

Trong đó, CTCP FPT (HOSE: FPT) là cổ đông sáng lập, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ công nghệ và kinh nghiệm khai thác các giải pháp công nghệ trong hoạt động ngân hàng.

* ĐHĐCĐ FPT: “Thoái vốn TPBank lúc này không mang lại lợi ích”

Tags: