Vì sao Eurozone tiếp tục “giải cứu” Hy Lạp?

Vì sao Eurozone tiếp tục “giải cứu” Hy Lạp?

Hôm thứ Tư vừa qua, các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) đã đồng ý với Hy Lạp và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một thỏa thuận mà họ gọi là “đột phá”, giúp giải quyết các thỉnh cầu của Athens về việc giảm nợ.

Eurozone phê chuẩn khoản cứu trợ 10,3 tỷ EUR cho Hy Lạp

 

Sau nhiều cuộc đàm phán vào khuya ngày thứ Tư, các Bộ trưởng Eurozone đã nhất trí giải ngân 10.3 tỷ EUR (khoảng 11.42 tỷ USD) cho Hy Lạp sau khi Athens đồng ý “thắt lưng buộc bụng” và thực hiện các biện pháp cải cách.

“Thỏa thuận này là một hành động cho thấy sự tin tưởng vào đất nước Hy Lạp hiện nay”, Bộ trưởng Tài chính Pháp, Michel Sapin, phát biểu với các phóng viên khi rời khỏi cuộc họp ở Brussels.

Một trở ngại lớn cho vòng đàm phán mới nhất là khả năng trả nợ của Hy Lạp, và IMF cứ khăng khăng đòi phải có một hình thức giảm nợ nào đó dành cho Athens, trong đó có những điều kiện trả nợ chính và lãi suất dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, tại cuộc họp này, IMF đã nhượng bộ để cùng với Eurozone cung cấp tiền cho việc giải cứu Hy Lạp sau khi các nước Eurozone đồng ý giảm nợ cho Hy Lạp trong hai năm nếu cần.

Trước đó, Chính phủ các nước Eurozone, mà đứng đầu là Đức, đã phản đối lời kêu gọi giảm nợ của IMF dành cho Hy Lạp và vẫn tỏ ra do dự trong việc giảm nợ một vài năm cho đất nước này.

“Chúng tôi đã đạt được một đột phá lớn về vấn đề Hy Lạp, giúp chúng tôi có thể bước vào một giai đoạn mới trong chương trình trợ giúp tài chính dành cho đất nước này. Điều này đang mở ra những gì mà tôi nghĩ là sẽ có thể cách đây không lâu lắm”, Chủ tịch Eurozone Jeroen Dijsselbloem và cũng là Bộ trưởng Tài chính Đức, đã phát biểu như thế tại một cuộc họp báo.

Dijsselbloem cho biết Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu và Cơ quan Bình ổn châu Âu – là những nơi cung cấp sự trợ giúp về mặt tài chính – sẽ xem xét những cách để giúp cho chương trình trả nợ dành cho Hy Lạp diễn ra “suôn sẻ”, theo cách không làm phát sinh thêm bất kì chi phí nào.

“Tôi nghĩ có cơ sở để lạc quan rằng điều này có thể là sự bắt đầu của việc biến vòng lẩn quẩn suy thoái – biện pháp – suy thoái của Hy Lạp thành một điều gì đó mà giúp giới đầu tư có một lộ trình rõ ràng để đầu tư vào đất nước này”, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp, Euclid Tsakalotos, phát biểu với các phóng viên khi rời cuộc họp tại Brussels.

Ngoài những biện pháp đã thỏa thuận, Hy Lạp cũng sẽ được nhận lại những lợi nhuận từ việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mua lại các trái phiếu của quốc gia này – một vấn đề gây tranh cãi dữ dội trong các cuộc đàm phán giải cứu hồi năm ngoái.

Dijsselbloem cho biết thêm là sự tin tưởng giữa IMF, Eurozone và Hy Lạp đã bắt đầu hồi phục.

Tuy vậy, Giám đốc khu vực châu Âu của IMF, Poul Thomsen, phát biểu với các phóng viên rằng ông tin các biện pháp trên sẽ “mang đến sự giảm nợ cần thiết”. Nhưng ông nhấn mạnh rằng việc IMF nhượng bộ bằng cách đồng ý giảm nợ sẽ chỉ được quyết định vào năm 2018, chứ không phải là ngay lúc này./.